Home » Tam Lãnh
Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2013
XÂY MỘ TẶNG NGƯỜI YÊU
Robert Podunavac đã bật khóc trong niềm vui sướng tột độ khi được chị Lữ Hà Thy Nhơn dẫn đến ngôi mộ mà chị xây tặng cho ông trên một ngọn đồi, giữa màu xanh ngút ngàn cây lá của núi rừng Tam Lãnh, Phú Ninh (Quảng Nam).
Giàn giụa nước mắt hạnh phúc, ông già người Mỹ xúc động nói rằng, không ngờ lúc tuổi đã gần đất xa trời, số phận run rủi ông gặp được một người đàn bà yêu thương ông bằng tình yêu chân thật, không chút toan tính, vụ lợi...
Tâm sự của người đàn bà “bước qua lời nguyền”
Không được tận mắt nhìn thấy ngôi mộ được xây rất “hoành tráng” trên ngọn đồi, cạnh ngôi nhà nhỏ có hai người khác giới, khác quốc tịch, khác màu da; một già, một trẻ đang quấn quýt bên nhau như đôi chim câu, tôi không thể tin được thế gian này lại có một người đàn bà làm cái chuyện quá bất thường như thế.
Robert Podunavac trước ngôi mộ được chị Thy Nhơn xây tặng.
Xây mộ tặng người yêu, hay nói chính xác hơn là tặng cho người chồng chưa cưới, khi anh ta đang sống hạnh phúc với mình, là điều từ xưa tới nay chẳng một ai dám nghĩ tới. Nhưng, mọi vấn đề đều có căn nguyên của nó nên xin mọi người hãy đừng vội nghĩ, chị Thy Nhơn xây mộ để “nguyền rủa” cho người yêu sớm về cõi vĩnh hằng...
Thoạt nghe chuyện, tôi vội vàng phóng xe máy về Tam Lãnh để tìm hiểu thực hư. Đường về miền núi Tam Lãnh xa vời vợi. Chỉ tính đoạn từ Tam Kỳ lên, phải chạy vòng quanh hồ Phú Ninh mất hơn nửa giờ mới tới được trang trại trồng rừng của chị Thy Nhơn và ông Robert Podunavac, nơi có căn nhà nhỏ với ngôi mộ kỳ lạ đó.
Chị Thy Nhơn cười rất tươi, cởi mở tâm sự: “Tui xây mộ tặng ổng (Robert Podunavac) chỉ muốn thực hiện trọn vẹn ước nguyện của ổng mà thôi. Thú thực với anh, tui dù chấp nhận lời tỏ tình của ổng, chấp nhận làm vợ ổng, nhưng trong thâm tâm tui luôn nghĩ ổng là bậc cha, chú, là một ân nhân đặc biệt của gia đình tui. Không có ổng thì chắc rằng mẹ con tui không có được cuộc sống đàng hoàng như bây giờ...”.
Nói đoạn, chị quay sang Robert với cái nhìn âu yếm, phiên dịch lại những lời xuất phát tự đáy lòng mình. Robert Podunavac ngồi im lắng nghe và len lén nhìn tôi bẽn lẽn.
Thật thú vị khi một ông già người Mỹ đã từng nếm trải qua bao ngọt bùi, cay đắng của cuộc sống, bây giờ tuổi đời đã gần tròn 72, vậy mà cứ bẽn lẽn, ngượng ngùng khi nhắc đến chuyện tình yêu cứ như chàng trai tuổi mới lớn. Robert châm lửa đốt điếu thuốc lá, rít một hơi dài rồi chậm rãi bảo tôi rằng, cuộc đời ông đã trải qua quá nhiều bất hạnh, nhất là trong chuyện tình yêu. Nhưng, Thượng đế đã cho ông có được may mắn khi đặt chân đến Việt Nam, gặp những con người chân chất, thật thà và mến khách; gặp chị Thy Nhơn để được sống hạnh phúc trong khoảng lặng tuổi già. Nghe Robert Podunavac nói, đôi mắt chị Thy Nhơn cũng đỏ hoe...
Quê hương Tam Lãnh là nơi chôn nhau cắt rốn của chị Thy Nhơn. Chị sinh ra và lớn lên ở chốn rừng núi này như bao đứa trẻ nhà nghèo khác nên chuyện học được cái chữ cũng lắm đỗi gian truân. Đến lúc cố gắng học hành trở thành cô giáo tiểu học chị vẫn không hết khổ. Bởi khi chị lập gia đình, có con cái cuộc sống vẫn quẩn quanh trong đói nghèo. Năm 1987, chị sinh con gái đầu lòng đặt tên Nguyễn Bích Giang và sau đó sinh thêm hai bé trai là Nguyễn Văn Bách và Nguyễn Văn Khải.
“Bé Giang sắp có chồng, cu Bách cũng đã hỏi vợ, chỉ còn Khải đang học lớp 7. Chỉ có điều, hồi đầu năm, Robert Podunavac đã cùng tui đi hỏi vợ cho Bách và sắp tới đây làm đám cưới cho Giang cũng chỉ có tui và ổng. Cha của các cháu đã bỏ tui từ những tháng ngày khổ cực...”. Giọng chị Thy Nhơn nghẹn lại.
Lát sau, chị kể lại ngọn ngành, mới hay, khi chị đang tay bồng, tay bế, cuộc sống gia đình chỉ dựa vào đồng lương giáo viên tiểu học, thì người chồng đã bội bạc ra đi. Đau đớn trong bất hạnh, chị đành gửi các con thơ dại cho người mẹ già, còn mình bôn ba vào TP HCM kiếm việc làm. Vào trong ấy, chị đã làm tất cả mọi việc, từ rửa chén bát thuê cho các nhà hàng, đến đi ở, giữ em... miễn sao có tiền nuôi sống mình, gửi về nuôi mẹ và các con. Vừa làm chị vừa học thêm tiếng Anh.
Mãi cho tới năm 2000, khi vốn liếng tiếng Anh kha khá, chị bắt đầu nghĩ tới chuyện kiếm thêm thu nhập bằng cách dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Cũng từ công việc mới mẻ này mà chị gặp được Robert Podunavac.
Chị nhớ như in cái lần gặp gỡ đầu tiên ấy. Đó là vào năm 2004, Robert Podunavac đi du lịch sang Việt Nam, ông đã tìm đến lớp học của chị xin học. Lúc đầu, chị đối xử với Robert Podunavac bình thường như bao học viên người nước ngoài khác. Thế nhưng, về sau mỗi lần lên lớp lại thấy ông cứ nhìn chị cười hoài. Mỗi lần như thế, chị kiểm tra bài, Robert Podunavac vẫn không tiến bộ được nhiều, ông luôn than thở, ngữ pháp Việt Nam khó hơn cả... phong ba, bão táp! Tuy vậy, tháng đầu tiên Robert Podunavac đã làm chị ngạc nhiên. Ông bỏ bì gửi học phí cho chị 1,5 triệu đồng, trong khi quy định chỉ 500 nghìn đồng. Chị trả lại số tiền thừa thì Robert Podunavac một mực không nhận mà nói rằng, ông muốn thưởng thêm cho chị...
Từ đó, mối quan hệ giữa hai người gần gũi hơn. Chị đã kể cho Robert Podunavac về cuộc đời éo le, bất hạnh của mình, về quê hương núi rừng Tam Lãnh còn nhiều nghèo khó. Và, Robert Podunavac cũng cho chị biết, ông là một kỹ sư máy tính, đã từng đi nhiều nước trên thế giới. Ông thành đạt trong công việc, song trong tình cảm gia đình thì cũng gặp trắc trở chẳng kém. Người vợ đầu tiên ở Mỹ không hợp quan điểm sống nên đã ly dị, ông sang Hàn Quốc, với gần 11 năm làm việc ở đất nước này, ông lập gia đình mới. Nhưng, cũng không được bao lâu, người phụ nữ Hàn Quốc là vợ ông sa vào con đường nghiện ngập, rượu chè, ông lại phải chia tay.
Đặt chân đến Việt Nam, một miền đất bình yên bên bờ biển Đông, với những người dân sống thật thà, rất dễ gần gũi, thân thiện, nên ông yêu thích và muốn được ở lại nơi này. Robert Podunavac đã ngỏ lời cầu hôn với chị Thy Nhơn, lúc đó tuổi của ông ta đã xấp xỉ 67, hơn chị đến 35 tuổi.
“Tui từ chối, nhưng ổng vẫn đến thăm tui ở nhà trọ mỗi ngày, thậm chí còn săn sóc cho tui lúc ốm đau... Từ đó tui đã mến ổng, nhưng cũng bảo thẳng với ổng rằng, người Việt Nam lấy vợ, lấy chồng phải về hỏi ý cha mẹ. Tui còn mẹ già ở quê, phải về quê hỏi xem thế nào. Ổng nghe vậy liền chạy đi mua cặp vé máy bay để tui với ổng cùng về”.
Ông Tây chăn vịt, nuôi gà
Đến bây giờ chị Thy Nhơn vẫn còn nhớ cái đêm đầu tiên Robert Podunavac về nhà mẹ ruột của chị, bà Huỳnh Thị Quấn ở Tam Lãnh. Đêm tháng 10, cái rét ở miền núi đến buốt da thịt. Cả nhà chỉ có mỗi chiếc chõng tre và cái mền nên nhường cho khách, mọi người trải chiếu dưới đất mà nằm.
Thấy cảnh đó, Robert Podunavac có lẽ quá xúc động nên cứ nằm trăn trở mãi. Nào hay, chiếc chõng cũng đã tới kỳ hư hỏng nên nửa đêm sập đánh “rầm”, làm đổ chảo lửa để gần đó cho ấm, bụi tro bay tứ tung. Robert Podunavac bị bụi tro phủ đầy người. Sáng hôm sau, ông đưa tiền cho chị Thy Nhơn bảo phải đi mua ngay giường, chiếu, chăn, nệm cho cả gia đình. Ở lại chơi nhà chị Thy Nhơn cho tới ngày giỗ người anh đầu, có đông đủ họ hàng, Robert Podunavac đứng lên thưa chuyện với mọi người, xin cưới chị làm vợ.
Người mẹ có tuổi ngang bằng Robert Podunavac không phản đối, cũng chẳng đồng ý. Bà chỉ nhẹ nhàng nói con gái: đã gánh chịu bất hạnh rồi thì hãy tỉnh táo, đừng để phải tiếp tục gánh chịu bất hạnh lần thứ hai. Thế là chị quyết định đến với Robert Podunavac. Tuy nhiên, chị không yêu cầu bảo Robert Podunavac phải thực hiện cưới xin đúng pháp luật Việt Nam quy định. Cũng vì yêu cầu này nên đám cưới của họ phải hoãn lại...
Cho đến năm 2006, chị bàn bạc với Robert Podunavac về ở hẳn vùng quê Tam Lãnh, thành lập Công ty TNHH Hà Nhơn để trồng rừng. Bởi vì, những chuyến về thăm quê chị nhận thấy rừng đầu nguồn hồ Phú Ninh phần lớn đã bị lâm tặc đốn hạ, chỉ còn lại trơ trụi những quả đồi trọc. Robert Podunavac đồng ý không chút ngần ngừ, ông quay về Mỹ để làm giấy tờ, thủ tục sang góp vốn đầu tư. Khi Robert Podunavac quay lại Tam Lãnh thì chị Thy Nhơn cũng đã mua đất hình thành trang trại trồng rừng và xây “tặng” ông ngôi mộ trên mảnh đất ấy.
Chị Thy Nhơn và Robert Podunavac trước căn nhà nhỏ ở trang trại trồng rừng.
Chị Thy Nhơn thường nghe Robert Podunavac tâm sự rằng: Người Việt Nam sống rất tình cảm. Gia đình nào có người chết thì bà con thân thích, làng xóm đến chia buồn, tiễn đưa. Người chết được chôn trong những ngôi mộ xây, được thờ phụng, hương khói. Vì vậy, Robert Podunavac ước ao lúc cuối đời được nằm lại Việt Nam để được chị Thy Nhơn hương khói, cúng giỗ như bao người vợ thủy chung khác của xứ sở diệu kỳ này.
Chị Thy Nhơn kể rằng: khi Robert Podunavac quay lại Tam Lãnh, đợi đến lúc trời sẩm tối, chị mới đưa ông tới chỗ xây mộ. Khi còn cách hơn trăm mét, chị bảo ông nhắm mắt lại và dẫn đi. Lúc đã đến bên ngôi mộ, chị bảo Robert Podunavac mở mắt ra và chỉ vào ngôi mộ nói: “Đó là kỷ vật em tặng cho ông!...”.
Lúc đầu Robert Podunavac mở to mắt ngạc nhiên, không hiểu đó là vật gì nên chị phải giải thích. Biết đó là ngôi mộ, Robert Podunavac òa khóc nức nở, khiến những người sống cạnh kéo nhau chạy tới xem. Robert Podunavac vừa khóc vừa cầm chặt tay chị mà cảm ơn rối rít. Rồi nói rằng, trong trí tưởng tượng của mình thì ngôi mộ xây cũng giống như lăng mộ và ông đã là một vị vua trong đôi mắt người tình.
Cũng từ đó, theo đề nghị của Robert Podunavac, chị Thy Nhơn xây một ngôi nhà nhỏ bên cạnh, trong đó để cửa sổ phòng ngủ của chị nhìn ra ngôi mộ. Robert Podunavac nói với chị rằng, con người già thì ai cũng phải chết. Khi chết đi, ông sẽ hóa thân thành chim bồ câu quẩn quanh bên ngôi mộ để được chị chăm sóc như lúc còn sống, và tối đến sẽ ngủ trên bậu cửa sổ để được nhìn, ngắm chị...
Và gần 3 năm trôi qua, Robert Podunavac sống trong ngôi nhà nhỏ với chị Thy Nhơn giữa chốn núi rừng Tam Lãnh. Họ dành phần lớn thời gian cho công việc trồng rừng và chăn nuôi gà, vịt. Đến bây giờ thì cánh rừng keo lá tràm, với diện tích 30.000m2 của họ đã cao vút.
Chị Thy Nhơn bảo: “Ổng và tui góp vốn trồng rừng. Tui chẳng hề lợi dụng ổng. Tui góp 51%, còn ổng góp 49%, rồi mua giống, thuê người trồng, chăm bón. Khi trồng rừng ổng cũng xăng xái góp sức cùng làm. Nhưng, phần lớn thời gian, ổng chăm sóc đàn gà, vịt. Tui khai hoang làm 5 sào ruộng lúa nước dưới chân đồi, gặt lúa về, ổng ra phơi phóng và lấy cho gà, vịt ăn mỗi ngày. Đàn gà, vịt lớn nhanh như thổi. Chỉ cái tết Kỷ Sửu vừa rồi, tui bán bớt đàn gà thu được hơn 2 cây vàng...”.
Đặc biệt, khi về ở Tam Lãnh, Robert Podunavac thường gần gũi với những người dân trong thôn, giúp đỡ người nghèo khó, nhất là những học sinh nghèo hiếu học, ông thường mua cặp, bút, sách vở, áo mới tặng các cháu, nên được bà con trong thôn quý mến. Khi chị Thy Nhơn bày tỏ thẳng quan điểm là hùn vốn làm ăn với chị, sau này lợi nhuận sẽ chia sòng phẳng, nếu chẳng may chết đi thì tài sản có được sẽ giao cho người thân ông ở Mỹ tiếp tục thừa kế, quản lý, Robert Podunavac đã phản ứng quyết liệt.
Ông bảo chị rằng, cuối cuộc đời ông được gặp một người đàn bà yêu thương ông như chị là hạnh phúc lắm rồi. Do đó, khi chết đi thì tài sản của ông sẽ để lại cho chị một ít, còn nhờ chị mang ra làm từ thiện, góp phần giúp đỡ cho trẻ em nghèo, bất hạnh...
Nắng chiều ngả dài trước thềm hiên, như sực nhớ điều gì, Robert Podunavac liền xin phép đứng dậy. Ông vào nhà mang ra một thau gạo và lúa rồi bước đi liêu xiêu về phía chuồng nuôi gà, vịt; miệng không ngớt gọi “cúc... cúc... cúc...”. Hơn trăm con gà, vịt và cả đàn chim bồ câu sà xuống, giành nhau mổ gạo, thóc. Robert Podunavac nở nụ cười rung rung cả đầu tóc vàng hoe. Một nụ cười mãn nguyện và chứa chan niềm hạnh phúc.
Chị Thy Nhơn khẽ bảo tôi rằng, tuần trước, chị đã vào TP HCM nhờ Tổng Lãnh sự quán Mỹ xác định nhân thân Robert Podunavac và đã có được “bản tuyên thệ độc thân” của ông. Có được những giấy tờ cần thiết này, chị quay về Sở Tư pháp tỉnh Quảng Nam làm thủ tục kết hôn với Robert Podunavac. Nhìn chồng lụi hụi bên đàn gà, chị Thy Nhơn cười, nụ cười của người đàn bà đã ở tuổi 40, trải qua nhiều bất hạnh, cũng chứa chan niềm hạnh phúc và yêu thương....
LONG VÂN
Tin liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét