Home » TÙY BÚT
Thứ Ba, 28 tháng 10, 2014
TỜ VÉ SỐ THỨ 11 (Ghi chép của anh Nguyễn Thanh Hải)
Chiều cuối tuần, mọi người trong công ty ai cũng vội vàng giải quyết công việc cho nhanh để về với gia đình. Ai chưa có gia đình thì hẹn hò đi chơi với bạn bè, còn mình thì quyết định sáng mai ngủ một giấc cho tới bến. Hí hửng với cái ý nghĩ “heo ú” ấy thì bất ngờ nhận điện thoại của chị, ngày mai được nghỉ em xin phép thêm vài ngày để đi với chị nhé. Ngày mốt là giỗ đầu của anh đó, và chuyển bàn thờ anh qua nhà mới luôn đó em. À! cô Thủy vợ anh dặn chị là phải mời bằng được em về cùng. Chị nói chuyện có vẻ vui lắm làm tôi cũng không ngần ngại khi nhận lời.
Nhớ cách đây 2 năm cũng buổi chiều như vậy, chị hối hả đến gặp tôi và rủ đi về quê cùng với chị. Lên xe chị không nói gì suốt cả chặng đường, còn anh tài xế cứ vậy thẳng chân đạp ga cho xe lao vun vút. Khoảng đầu giờ chiều chúng tôi về đến quê, lẽ ra phải về nhà thì chị kêu tài xế cho xe chạy thêm khoảng 20km và dừng lại trước một căn nhà nhỏ. Đón chúng tôi là một người phụ nữ trên tay bế một đứa con khoảng gần 2 tuổi, bên cạnh thêm hai đứa nữa. Cả hai nhìn nhau gật đầu chào, nhưng tôi thấy có gì gượng gạo lắm. Chị lấy tay xoa đầu hai đứa đứng bên cạnh người phụ nữ ấy và tất cả cùng đi vào. Trong ngôi nhà tềnh toàng, đặt ngay chính giữa là một cái bàn thờ, trên đó là di ảnh của một người đàn ông với đôi mắt hiền từ trên gương mặt phúc hậu. Chị lấy túi trái cây bỏ vào đĩa đặt lên bàn thờ, đốt 3 nén nhang bàn tay chị run lên và bất ngờ chị khóc. Chị khóc thật to, khóc như chưa bao giờ được khóc, còn vì sao chị khóc thì tôi chắc chỉ hai người phụ nữ ấy mới hiểu.
Đêm đó, chúng tôi cùng thức để nghe người phụ nữ ấy kể cho chị, cho tôi, cho anh tài xế và hình như kể cho cả chính mình về sự ra đi của anh, người chồng của chị. Chị kể, sau khi từ thành phố về anh nói sẽ cố thêm vài năm nữa là anh sẽ dành dụm ít tiền để mở quán tạp hóa cho chị bán, còn anh sẽ vẽ tranh để kiếm thêm thu nhập. Nhưng những điều nho nhỏ ấy anh chưa kịp thực hiện thì bất ngờ ra đi sau một cơn bạo bệnh. Bao ước mơ chăm lo cho con, thực hiện bộ tranh tre về phong cành làng quê Việt Nam với anh đều dang dỡ. Và tôi biết cái dang dỡ này, bây giờ, đâu chỉ của riêng anh.
Sáng hôm sau chị mời người phụ nữ góa bụa tội nghiệp ấy cùng tất cả người thân của anh đến và nói; sau khi anh mất tài sản của anh còn gửi lại trên chị là 1 tỷ ba trăm năm mươi triệu thì ai cũng há hốc mắt, trong đó có cả tôi. Câu chuyện có vẻ li kì cuốn hút tôi khi nghe chị nói; chuyện bắt đầu từ khi anh bị sốt dẫn đến teo cơ một chân, thương vợ vất vả anh một mình lặn lội lên thành phố ban ngày đi bán vé số, buổi tối làm thêm nghề vẽ tranh tre. Chẳng biết run rũi thế nào mà giữa cái thành phố ồn ào ấy chị lại được găp anh ngay một ngã 4 trong buổi chiều mưa ẩm ướt. Cả hai nhìn nhau như chết lặng, bởi không ai nghĩ rằng họ lại gặp nhau trong hoàn cảnh trớ trêu này. Ngày ấy! Anh và chị là một đôi mà cả vùng quê này ai cũng thèm khát. Cứ tưởng một cái kết có hậu dành cho hai người nhưng có lẽ tình đầu bao giờ cũng kết thúc bằng một cuộc chia tay đầy nước mắt.
Mọi chuyện từ khi chị lên thành phố học, lấy chồng và không bao giờ về quê nữa. Anh tốt nghiệp trường mỹ thuật nhưng không xin được việc làm nên về quê làm ruộng, chăn nuôi và lấy vợ. Nếu cuộc đời cứ vậy trôi đi thì có lẽ tôi sẽ không biết có một câu chuyện tình đầy nước mắt.
Sau khi gặp lại nhau biết hoàn cảnh của anh đáng thương, nhưng lòng tự trọng của người đàn ông không cho phép anh nhận bất kì sự giúp đỡ nào từ chị. Thương anh, mỗi khi đi ngang chị mua cho anh mấy tờ vé số! Anh cảm ơn và không quên dành cho chị nụ cười và lời chúc may mắn.
Trưa hôm đó, như bao nhiêu lần khác, chị ghé đến không phải để mua vé số mà chính là để thăm anh. Dưới cái nắng gay gắt, nép vào bóng râm nhỏ của cây trụ đèn anh vẫn tươi cười với những tờ vé số trên tay. Còn nhiều không anh? Chị hỏi, anh nói chỉ còn mười một tờ thôi em hôm nay anh bán được nhanh lắm. Chị bảo số còn lại anh bán hết cho em đi, biết đâu chiều nay em trúng đó. Lấy 11 tờ vé số chị đưa anh tờ 500.000, anh không có tiền lẽ để thối và đưa chị 400.000 cho chị nợ lại mười ngàn và nói; hôm nào em ghé mua rồi trả anh “ta còn nợ, thì mình còn duyên em nhé” và cất tiếng hát tặng chị bài “anh còn nợ em”.
Sáng hôm sau đi làm, tranh thủ lúc ăn sáng chị dò xem 11 tờ vé số, không tin vào mắt mình 11 tờ vé số hôm qua có 6 tờ trúng đặc biệt và 5 tờ khuyến khích. Trả vội tô phở chị phóng xe ra cái ngã 4 quen thuộc để gặp anh, nhưng đợi đến trưa vẫn không thấy anh ra bán nữa. Chị tức giận, vì bao nhiêu lần xin số điện thoại mà anh có cho đâu, anh hay nói, anh không thích làm phiền người khác. Một ngày, hai ngày rồi cả tuần bóng anh vẫn biền biệt, đi hỏi những người ở gần thì họ bảo; chị để số điện thoại lại và có gì sẽ báo tin cho.
Gần 3 tháng sau đang giờ ăn trưa chị nhận được điện thoại từ cậu bé đánh giày ở cùng xóm trọ với anh. Cậu bé cho chị biết, anh về quê và đã mất sau một cơn đột quị. Chiếc chén cơm rơi vỡ tan tành, chị đứng dậy xin lỗi mọi người và đi về trong sự ngơ ngác của đồng nghiệp. Vậy là anh đã ra đi khi chưa biết những tờ vé số anh bán cho chị đã trúng thưởng. Và từ nay cái ngã 4 ấy chị không còn thấy bóng dáng người đàn ông gầy còm với anh mắt sáng hiền từ, một ánh mắt đã từng làm biết bao người say đắm. Anh chưa kịp cho chị trả nợ 10.000, mà không, chị đã nợ anh không phải mười ngàn mà chị nợ anh một tờ vé số, chị không chỉ nợ anh một lời giải thích cho sự phản bội vì “tham phú, phụ bần” mà chị còn nợ anh cả tình yêu một thời trai trẻ. Nhưng chị nợ anh tờ vé số nào trong 11 tờ vé số ấy, tờ đặc biệt hay tờ khuyến khích? Và cuối cùng lí lẽ của trái tim và sự hối hận của một người phản bội đã đưa ra cho chị quyết định, chị nợ anh tờ vé số đặc biệt. Để rồi hôm nay đây chị đứng giữa miền quê này, bên cạnh người thân của anh chị đã làm một điều đúng đắn. Đó là trả hết cho anh những gì đã nợ, thực hiện cái ước mơ lo cho vợ con của anh còn dang dỡ, và đó cũng là chị trả nợ để tâm hồn mình được thanh thản hơn.
Số tiền quá lớn nên chị khuyên cô Thủy (người phụ nữ góa bụa) nên gửi tiết kiệm, số còn lại xây cái nhà, mở quán tạp hóa như ngày xưa anh nói. Chị không quên dặn phải xây một căn phòng lớn để những bức tranh tre của anh vào đó, vì hình như trong đó có nhiều bức tranh anh vẽ về chị. Rời khỏi miền quê khi nắng chiều sắp tắt, nhìn gương mặt chị lúc vui lúc buồn tôi chợt nghĩ sống trong cuộc đời nên sống thật và sống tốt vì có ai biết rằng “ngày mai tôi sẽ ra sao” !!!
Nguyễn Thanh Hải
Tin liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét