Home » Tam Lãnh
Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013
ĐÁM CƯỜI ĐẶC BIỆT CỦA TRIỆU PHÚ PHÚ MỸ VÀ CÔ GÁI VIỆT
Robert Podunavac và chị Thy Nhơn đứng trước ngôi mộ - món quà cưới của chị Thy Nhơn dành cho Robert |
Đúng là ở đời, hạnh phúc không bao giờ đến một cách dễ dàng. Sau biết bao sóng gió cuộc đời, số phận lại thử thách Robert Podunavac một lần nữa, với cuộc “ra mắt” đầy sóng gió trước họ hàng nhà gái và cả đêm “ác mộng” trong nếp nhà tranh xiêu vẹo.
Lần lượt chinh phục những thử thách chông gai đó, Robert cuối cùng đã được sánh duyên cùng người phụ nữ ông lựa chọn làm “bến đậu” cho cuộc đời mình, trong đám cưới đặc biệt nhất miền núi rừng Tam Lãnh.
“Đêm trước” ngày hạnh phúc
Dù đã được chị Thy Nhơn ưng thuận nhưng theo phong tục tập quán của người Việt phải có lời với gia đình và họ hàng, Robert Podunavac lại mua vé máy bay từ TP. HCM về Đà Nẵng rồi ngược lên núi rừng Tam Lãnh. Dù đã báo tin trước nhưng khi cánh cửa xe mở ra, mọi người trong gia đình và họ hàng nhà gái không ai tin nổi người đàn ông cao lớn và nhiều tuổi ấy sẽ trở thành người thân trong gia đình mình. Mẹ chị Thy Nhơn chỉ lặng lẽ nhìn bởi Robert Podunavac còn nhiều tuổi hơn cả bà. Thế nhưng, tôn trọng sự lựa chọn của con gái, bà vẫn mời Robert Podunavac vào nhà bằng tấm lòng bao dung của một người mẹ. Lúc ấy, Robert Podunavac biết tình thế của mình, hiểu suy nghĩ của mọi người và cả những rào cản rất khó nói. Nhưng khi đã lựa chọn, ông đã quyết tâm theo đuổi hạnh phúc của mình đến cùng. Trước đông đủ họ hàng của người yêu, ông rụt rè đứng lên xin thưa chuyện. Mọi người lặng lẽ lắng nghe những điều ông nói, những chuyện ông kể về cuộc đời mình. Nghe xong ai cũng xót xa thương cảm, nhưng chấp nhận cuộc hôn nhân là một chuyện khác.
Robert và vợ trồng cây |
“Robert vốn trầm tính nhưng chẳng hiểu sao lúc ấy, ông lại nói nhiều đến thế. Mọi người trong gia đình tôi cứ yên lặng nghe. Tôi kêu ông nói bằng tiếng Anh tôi sẽ dịch lại cho mọi người nghe nhưng ông không chịu. Ông trả lời nếu ngay việc nói rõ lòng mình bằng ngôn ngữ của người yêu mà ông còn không làm được thì ai dám tin, ông sẽ đem lại hạnh phúc cho cô gái của mình. Thế là với vốn tiếng Việt ít ỏi học được trong mấy tháng, ông đã đem ra dùng hết, dù những câu nói còn vụng về, ngữ nghĩa không chính xác nhưng ai cũng hiểu. Chỉ mấy chuyện thôi mà ông nói hơn một tiếng đồng hồ, mồ hôi túa ra và run rẩy…”, chị Thy Nhơn xúc động kể lại. Người mẹ của chị Thy Nhơn lắng nghe, thấy ở người đàn ông ấy một tình cảm chân thành và tha thiết với con gái mình. Thế nhưng, bà vẫn sợ vì chị Thy Nhơn đã một lần lỡ dở, nếu lựa chọn sai lầm sẽ bất hạnh suốt cả cuộc đời. Mãi đến hồi kết câu chuyện, cả hai người mới vỡ òa trong hạnh phúc khi người mẹ trả lời: “Đồng ý (!)”.
Đêm đầu tiên ngủ lại nhà người yêu, ông cứ trằn trọc mãi. Gia cảnh chị Thy Nhơn vốn nghèo, chiếc đệm duy nhất trong nhà được nhường cho Robert vì không những ông là khách, mắc chứng đau lưng sau một tai nạn mà còn là… người cao tuổi nhất. Nhưng ông quyết không nằm trên chiếc nệm ấy mà nhường cho mẹ chị Thy Nhơn rồi sang nằm trên chiếu cói dân dã trải giữa nhà. Chiếc màn vốn đã nhỏ so với khổ người của ông, vì bị thủng lỗ chỗ phải buộc dúm dó lại khiến chân ông cứ thò ra bên ngoài. Ở vùng rừng núi này, muỗi là “đặc sản” không thể thiếu nên chàng rể mới được một đêm “không thể nào quên”. Nửa đêm hôm ấy, khi Robert đang co chân nằm nhìn lên mái nhà thì trời bắt đầu đổ mưa. Cơn mưa nặng hạt kèm gió rít cứ xoáy thốc vào trong. Ngôi nhà dột tứ tung, chỉ một lúc chỗ của chàng rể đã ướt sũng nhưng chẳng dám kêu. Thế là suốt đêm hôm ấy ông cứ ngồi bên cửa nhìn trời ngó đất suy nghĩ. Sáng hôm sau, ông lẳng lặng nhờ chị chở xuống phố cách đó hơn 30km để mua sắm một loạt vật liệu để sửa nhà và không quên mua thêm chiếc giường cùng mấy tấm đệm cho mọi người trong nhà nằm ấm.
Đám cưới không động phòng
Gần một tháng sau ngày ra mắt nhà gái đáng nhớ ấy, Robert đưa chị Thy Nhơn vào lại TP. HCM vì vẫn còn nhiều công việc ở đấy và cũng để chuẩn bị cho một đám cưới lạ lùng nhất ở xứ này. Số là khi mọi chuyện đã thuận buồm xuôi gió thì con gái của chị Thy Nhơn cũng mang người yêu về giới thiệu và định ngày tổ chức. Thế là một sự kiện hy hữu đã xảy ra khi đám cưới mẹ diễn ra sau đám cưới con chỉ ít ngày khiến cuộc hôn nhân này càng trở nên đặc biệt.
Ngày cưới con gái người yêu, Robert cũng về dự: Mặc dù không hiểu lắm về phong tục cưới xin của người Việt, ông vẫn tất bật cắt cử mọi thứ đâu ra đấy. Nhiều người bên họ nhà trai ngỡ ngàng khi thấy một “ông Tây” được giới thiệu là đại diện họ nhà gái lên phát biểu. Họ lại càng bất ngờ hơn khi trên bục, Robert được giới thiệu sẽ làm “cha” của cô dâu trong ít ngày tới. Mọi người từ ngỡ ngàng chuyển sang phấn khích, vì đó là một sự kiện đặc biệt ở miền rừng núi vốn có một cuộc sống êm đềm này. Những tràng pháo tay rộn lên từ nhiều phía, họ chúc mừng cho cô dâu hôm ấy và cũng chúc mừng luôn “cô dâu đặc biệt của ít ngày sau”.
Những thủ tục hành chính và pháp lý cho đám cưới bắt đầu được thực hiện nhưng cần phải có thời gian để tập hợp tất cả những giấy tờ cần thiết theo quy định của hai Chính phủ. Sau gần một năm, họ mới có thể chính thức làm đám cưới.
Niềm vui tuổi già của Robert là chăn nuôi gà vịt và trồng rừng |
Ngày hợp hôn, trời mưa như trút nước. Nổi bật giữa nền trời mùa đông toàn một màu xám xịt, đôi vợ chồng đặc biệt mặc bộ quần áo truyền thống của người Việt Nam với màu sắc rực rỡ: Màu xanh lam cho chú rể và màu đỏ cho cô dâu. Bên đằng trai cũng mang tới nhiều đồ lễ theo đúng phong tục Việt Nam trên những chiếc mâm trang trí sặc sỡ. Trên ngưỡng cửa gia đình, cô dâu xinh tươi trong chiếc áo dài đỏ được cha mẹ, người thân vây quanh. Bữa tiệc mừng hôm ấy, hơn 500 khách mời đã tới chật kín phòng ăn lớn nơi diễn ra bữa tiệc cưới để cùng chia vui với đôi vợ chồng đặc biệt. Phía nhà gái đã chào đón chú rể theo đúng nghi lễ xa xưa của người Việt Nam. Mọi phong tục đều được tuân thủ. Gia đình nhà trai trao những mâm lễ vật cho các thành viên gia đình nhà gái. Lễ cưới cũng diễn ra theo truyền thống của Việt Nam với những nghi thức thắp hương trước bàn thờ tổ tiên gia đình cô dâu, hai gia đình có vài lời, trao nhẫn cưới. Bên ngoài tiệc vui, mưa tiếp tục rơi, mưa to tới mức một tấm bạt che đầy nước đã đổ sụp xuống. Nó khiến mọi người sợ hãi chứ không gây trục trặc gì. Trời mưa nhưng mặt trời thì lại rực rỡ trong tim tất cả mọi người vào ngày hôm ấy.
Đám cưới đặc biệt đã diễn ra, nhưng cũng khác biệt so với tất cả các đám cưới khác bởi chẳng có đêm động phòng. Tuần trăng mật nơi quê nhà cô dâu, chú rể vẫn nằm một mình nơi chiếc giường ngay phòng khách còn chị Thy Nhơn ngủ với mẹ đã gần thất thập của mình. Vì vấn đề tuổi tác, khi ấy Robert đã hơn 75 tuổi, lại bị đau lưng do tai nạn trước đó nên đêm động phòng chẳng thể tiến hành như bình thường. Hai người vẫn ngủ chung giường, vẫn có tuần trăng mật êm đềm nơi quê nhà Tam Lãnh, ngày ngày vẫn ríu rít như đôi uyên ương còn son trẻ khiến nhiều người biết chuyện cứ tủm tỉm cười. Còn chuyện động phòng, Robert và cả chị Thy Nhơn chẳng hề coi đó là vấn đề: “Tôi yêu em, muốn được sống cùng em và chăm sóc em. Thế là đủ (!)”, Robert nói với chị Thy Nhơn như thế.
Yêu vợ, Robert sẵn sàng làm tất cả. Ngay cả chuyện đồng ý cùng vợ rời bỏ Sài Gòn đô hội ngược ra miền rừng này sinh sống cũng vậy. Với nhiều người, đó có thể là hành động kỳ lạ xen lẫn mạo hiểm của một triệu phú ngoại quốc tuổi “gần đất xa trời”. Nhưng với ông, quyết định ấy là minh chứng sống động nhất cho tình yêu. Ở miền rừng núi này, hạnh phúc đơn giản là nuôi con gà, con vịt, yên bình sống cuộc sống giản dị như một người nông dân thực thụ…
Theo Tiêu Dao (Đời sống & Hôn nhân)
Sử dụng lại từ trang hn.24h.com
Tin liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét