Home » BÁO CHÍ
Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014
ROMEO VÀ JULIET MIỀN TÂY SỐNG TRONG TÚP LỀU TRANH
Căm giận vì cho rằng Dễ "bỏ bùa" rù quyến Trinh, bên nhà gái đã kéo lực lượng đến bắt cóc mẹ của chàng trai rồi khiêng đi khắp làng. Nạn nhân thương tích trầm trọng, còn nhà gái phải đối diện với án tù. Và rồi, thù hận giữa hai dòng họ cứ thếchất chồng lên đầu con trẻ ...
Mối thâm thù trong quá khứ
Nếu không tình cờ quen được một vài người có liên quan, chắc có lẽ chúng tôi không tài nào tìm đến được nơi Dễ và Trinh đang trú ngụ. "Túp lều lý tưởng" của đôi uyên ương nằm heo hút trong vùng sâu của miệt Đồng Tháp Mười, thuộc xã Tân Thành, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An.
Chuyện tình vượt qua thù hận gia đình của Dễ và Trinh khiến người ta liên tưởng đến Romeo và Juliet thời hiện đại |
Mưa gió trái mùa đêm qua khiến con đường băng rừng chỉ rộng vừa đủ một bánh xe trở nên nhầy nhụa. Qua thêm mấy đoạn đường gian khổ nữa, cuối cùng, căn chòi lá được "chỉ điểm" cũng lấp ló hiện ra dưới hàng rào bông điên điển vàng rực một góc quê.
Thấy có người đến thăm, anh Dễ tất tả đi gọi vợ đang cào tép ngoài mé sông. Căn nhà dột nát của gia đình nhỏ chỉ đủ tránh nắng... Để che mưa, Dễ và Trinh phải dùng tấm ny – lon căng ngang mái lá.
Nền đất thấm mưa, sũng nước, trơn tuột, Trinh nhón từng bước ngay trong nhà mình. Cô pha trà rồi cười hiền hậu: "Anh ngồi tạm, anh Dễ đưa bé An đi học rồi ghé qua nhà bà nội đón cháu út, về liền bây giờ".
Cô thôn nữ Nguyễn Thị Trinh sinh ra trong một gia đình khá giả ở xã Nhơn Hòa Lập, nay là xã Tân Thành, huyện Tân Thạnh, Long An. Từ nhỏ chị em Trinh đã được cha mẹ cưng chiều, bao bọc. Lớn lên một chút, Trinh được cha đưa lên thành phố Hồ Chí Minh gởi làm công nhân tách vỏ hạt điều, tại nhà người bác ruột ở quận Bình Tân. Sớm dậy làm, tối cũng chẳng dám đi đâu, nên cô gái chân quê chưa từng một lần biết mùi tình ái.
Cứ thế đến năm 24 tuổi, do chán cảnh sống buồn tẻ, nên Tết năm 2006 Trinh quyết định bỏ phố về quê sinh sống. Và nơi vùng quê nghèo khó ấy, tiếng sét ái tình đã khiến Trinh yêu say đắm chàng trai hiền lành, ít nói Đoàn Văn Dễ (sinh năm 1983).
Dễ tuy là nông dân nhưng lại mang vẻ ngoài khá thanh tú với đôi mắt sáng và khóe miệng hay cười. Đẹp trai, lại siêng năng chăm chỉ nên con gái trong vùng cứ gặp Dễ là nhìn bằng con mắt có đuôi. Nhưng do quá hiền lành chân chất, chàng trai miền sông nước vẫn chưa dám để ý một ai.
Quen nhau được 3 tháng, Dễ nhờ người mai mối qua nhà Trinh thưa chuyện. Mới thấy mặt Dễ, cha Trinh là ông Tư Hậu đã chau mày, lắc đầu không ưng thuận. Chỉ vì trước kia Dễ đã từng có mối lương duyên "hụt" với Nhung là cháu gọi Tư Hậu bằng bác ruột.
Số là trai gái thời ấy cứ tròn mười tám, đôi mươi là cha mẹ lại sốt sắng tính chuyện dựng vợ gả chồng. Dễ được hai bên họ hàng mai mối cho Nhung. "Áo mặc sao qua khỏi đầu", lại chưa từng yêu ai nên Dễ đồng ý tiến tới hôn nhân, cho dù trước đó, Dễ chưa hề biết cô gái tên Nhung là ai.
Nào ngờ, người yêu của Nhung uất ức nỗi hận tình, suốt ngày kéo người đến quấy rối. Hết gây chuyện tại nhà Nhung, anh chàng lại còn năm lần mười lượt tìm gặp Dễ để dằn mặt. Thấy tình thế không ổn, mẹ Dễ là bà Lê Thị Bích bàn với gia đình tính chuyện từ hôn.
Ngay lập tức, lễ vật bị trả về, Nhung cũng thoát khỏi cảnh bị ép duyên và được vui vầy với chàng trai nọ. Tưởng đâu, kết cục như vậy đã là êm thấm. Nào ngờ, ông Tư Hậu, cha của Trinh và cũng là trai trưởng của cả họ coi việc từ hôn như "gáo nước lạnh" tạt vào lễ giáo gia phong của gia đình nên định tâm tuyệt giao với người nhà họ Đoàn.
Chính vì thế, nên mặc cho mẹ Trinh ra sức khuyên bảo, Trinh vật vã, khóc lóc van xin, ông Tư Hậu vẫn cương quyết cấm cản duyên tình đôi trẻ.
Cởi dây trói trốn chạy giữa đêm
Bị phản đối vì mối thâm thù xưa cũ, đôi trai gái không cam tâm, vẫn lén lút gặp gỡ nhau. Chuyện đến tai ông Tư Hậu, ông giận lắm, lôi Trinh về nhà, cấm tiệt không cho ra đường và bắt đầu tính chuyện ép gả Trinh.
Bà Tám Hồng Hoa là dì ruột của Trinh liền đưa lời mai mối cô gái tội nghiệp cho chàng trai tên Pha ở xóm dưới. Nghe chuyện, Trinh ngã bệnh, ốm đau, vật vã mấy ngày liền không chịu cơm thuốc. Thương con, mẹ Trinh đã lén mở cửa để cô lẻn khỏi nhà, tìm gặp Dễ cho thỏa nhớ mong.
Biết người yêu sắp bị gia đình ép uổng, Dễ liền đưa Trinh chạy trốn ngay trong đêm. Hai người tìm đến mảnh đất heo hút giữa một cánh rừng tràm, trong vùng Đồng Tháp Mười, dựng chòi sinh sống.
Mất con, gia đình Trinh tìm đến nhà Dễ hỏi chuyện. Thấy nhà Dễ cũng dáo dác vì con trai bỗng nhiên mất dạng, biết hai người đã dắt tay bỏ trốn, nên "đàn trai, bên gái" cùng nhau dốc sức tìm kiếm.
Chỉ mới 3 ngày, họ đã tìm ra Dễ và Trinh. Trong lúc hỗn loạn, Trinh gào lên: "Em sẽ chết cùng anh". Sợ con gái nghĩ quẩn, ông Tư Hậu đành phải trói con vào góc nhà, chuyện cơm nước giao cho mẹ Trinh chăm bẵm. Về phần bà Tư Hậu, vì dám mở cửa cho Trinh nên cũng bị ông Tư nặng lời la mắng.
Trinh không chịu ăn uống, lại bị cha trói, suốt ngày chỉ ngồi tựa đầu vào góc tường, miệng lảm nhảm gọi tên Dễ, mặt thẩn thờ như một cái xác không hồn. Bà Tư xót con, lòng dạ đau không để đâu cho hết.
Cuối cùng bà đánh liều, nới dây trói cho Trinh, vội vã nhét vào người con mấy trăm ngàn và số nữ trang bấy lâu bà vẫn dành dụm chờ ngày con gái lấy chồng, với ngụ ý lần này con gái phải trốn đi thật xa...
Trinh rớt nước mắt bừng tỉnh. Nửa đêm, cô gái khéo léo cởi bỏ dây trói, kiếm tờ giấy viết vội đôi dòng nhắn gửi để cha mẹ yên lòng.
Lá thư đẫm nước mắt, là những lời yêu thương, tạ lỗi chứ không hề oán trách mẹ cha: "Con là Nguyễn Thị Trinh, con viết ít chữ này để lại cho ba má. Vì con thương anh Dễ mà gia đình không chịu gả. Dì dượng Tám bắt con về dưới để làm mai cho thằng Pha. Con và anh Dễ không thể sống thiếu nhau trong cuộc đời này, vì vậy con phải bỏ nhà ra đi lúc nửa đêm, cam tội bất hiếu với ba má. Con mong ba má tha thứ cho con, để cho chúng con được sống hạnh phúc”...
Tuy nghèo khó, nhưng họ sống hạnh phúc |
Dễ được em gái Trinh là Nguyễn Thị Lụa, lén báo tin rằng, đêm nay, Trinh sẽ trốn khỏi nhà. Lụa cũng từng bị ông Tư Hậu ép gả cho người cô không yêu, để đến nỗi có một mặt con nhưng cuộc sống gia đình không hạnh phúc khiến cô phải ly dị chồng.
Thấm thía cảnh duyên tình lở dở nên Lụa ra sức giúp đỡ chị gái đến được với tình yêu đúng nghĩa. Được tin báo, nên khi Trinh băng sông trốn chạy, Dễ đã lấy xe máy đợi sẵn nơi chân cầu. Vừa gặp Dễ là Trinh đã òa khóc. Hành trang của đôi tình nhân chỉ vỏn vẹn có mấy trăm ngàn với chiếc máy cắt lúa Dễ đem theo từ nhà, để đi đến đâu cũng có kế sinh nhai.
Dễ chạy xe một mạch lên nhà cô em gái tại một huyện vùng biên ở Tây Ninh. Giữa đường đi, Dễ không hề dám ngơi nghỉ, vì anh cứ phập phồng lo sợ người nhà sẽ cắt đầu xe, bắt về.
Nhưng may mắn sao, "phi vụ" trốn chạy lần này đã trót lọt. Dễ và Trinh định bụng đi một thời gian, chờ mâu thuẫn giữa hai gia đình tạm lắng, rồi hai người mới trở về để xem như "sự đã rồi".
Giờ nhớ lại, cô gái mỏng manh ngồi trước mặt tôi cũng không khỏi rùng mình, Trinh bồi hồi tâm sự: "Em không biết lúc đó sức mạnh nào khiến em năm lần bảy lượt cãi cha mẹ, rồi trốn nhà giữa đêm như vậy nữa. Con gái miệt vườn nhát lắm, từ nhỏ đến lớn mấy chị em với mẹ lúc nào cũng nghe lời cha. Cha nói không là không, đúng là đúng, sai là sai ... nên cả nhà sợ cha một phép. Mà em cũng không nghĩ gì nhiều nữa, chỉ biết là nếu sống không có anh Dễ thì thà em chết cho xong"...
Căm giận vì cho rằng Dễ "bỏ bùa" rù quyến Trinh, bên nhà gái đã liều lĩnh kéo lực lượng đến bắt cóc mẹ của chàng trai rồi khiêng đi khắp làng. Nạn nhân thương tích trầm trọng, còn nhà gái phải đối diện với án tù. Và rồi, thù hận giữa hai dòng họ cứ thế chất chồng lên đầu con trẻ...
Bài, ảnh : Nguyễn Bá
(còn nữa)
Theo : Một thế giới
Tin liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét