Home » Tam Lãnh
Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2013
Xã miền núi Tam Lãnh : Kinh nghiệm giải quyết hành lang an toàn lưới điện
Do trên địa bàn xã có Mỏ vàng Bông Miêu - một trong những mỏ vàng lớn của Việt Nam đang hoạt động khai thác nên xã Tam Lãnh là một trong số ít các xã miền núi của huyện Phú Ninh (Quảng Nam) được cung ứng điện từ rất sớm.
Địa bàn xã khá rộng, có đến 11 thôn, lại nằm sâu vào trong các dãy núi, cách xa đường trục cấp điện cho trung tâm huyện nên việc đầu tư lưới điện 22 kV về xã được thực hiện theo 2 hướng: Hướng thứ nhất, xây dựng đường dây trung áp xuất phát từ xã Tam Dân (TP.Tam Kỳ) lên phục vụ cho thôn 1 của xã; hướng thứ hai kéo đường dây trung áp đấu nối từ xã Tiên Thọ (huyện Tiên Phước) vào sâu trong núi cấp điện cho các thôn còn lại của xã và phục vụ cho việc khai thác Mỏ vàng Bông Miêu.
Từ năm 2009, địa phương bàn giao lưới điện này cho Công ty Điện lực Quảng Nam mà trực tiếp là Điện lực Tam Kỳ và Điện lực Tiên Phước được giao nhiệm vụ trực tiếp bán điện đến hộ phù hợp với kết cấu lưới điện trung, hạ áp do mỗi đơn vị quản lý, vận hành. Theo đó, trong toàn xã có 11 trạm biến áp phụ tải, tổng dung lượng 1150 kVA. Trong đó có 1 trạm cấp điện cho việc khai thác chế biến quặng của Công ty Vàng Bông Miêu, 10 trạm cung ứng điện cho 1609 hộ dân ở 11 thôn, đạt tiêu chí 100% số hộ dân có điện. Trong số này, Điện lực Tam Kỳ phụ trách 1 trạm, còn lại do Điện lực Tiên Phước thực hiện.
Với tổng cộng 37 km đường dây trung áp, hơn 25 km đường dây hạ áp chạy qua nhiều địa hình núi non hiểm trở, sông suối chia cắt, qua nhiều xóm dân và rừng cây trồng, song trong những năm qua, việc bảo đảm hành lang an toàn lưới điện nơi đây được thực hiện khá tốt. Theo thống kê của Điện lực Tiên Phước, sự cố lưới điện có nguyên nhân do xâm phạm hành lang an toàn lưới điện trong xã hầu như không có, dù rằng phần lớn lưới điện do sử dụng lâu ngày đã xuống cấp.
Một buổi ra quân phát quang hành lang tuyến trên địa bàn xã Tam Lãnh
Ông Nguyễn Thế Vinh, Phó chủ tịch UBND xã đưa chúng tôi đi một vòng xung quanh xã để “mục sở thị” hành lang lưới điện được bảo đảm an toàn như thế nào. Rồi ông khẳng định: “Mặc dù là ở miền núi, song độ tin cậy cấp điện và chất lượng điện nơi đây khá tốt.
Nhiều năm qua, người dân chưa bao giờ bị mất điện do nguyên nhân xâm hại hành lang lưới điện”. Quả thật, quan sát kỹ chúng tôi thấy hầu hết các công trình dân sinh được kiên cố hoá thì không có đối tượng nào vi phạm hành lang lưới điện; rất ít các công trình sử dụng mái nhà làm bằng vật liệu dẫn điện nằm dưới đường dây trung áp nhưng tất cả đều có tiếp đất. Cây cối dưới hành lang tuyến phần lớn là cây bụi, thi thoảng có cây lớn thì cũng đã được chặt ngọn, tỉa cành gọn ghẽ.
Nhiều năm qua, người dân chưa bao giờ bị mất điện do nguyên nhân xâm hại hành lang lưới điện”. Quả thật, quan sát kỹ chúng tôi thấy hầu hết các công trình dân sinh được kiên cố hoá thì không có đối tượng nào vi phạm hành lang lưới điện; rất ít các công trình sử dụng mái nhà làm bằng vật liệu dẫn điện nằm dưới đường dây trung áp nhưng tất cả đều có tiếp đất. Cây cối dưới hành lang tuyến phần lớn là cây bụi, thi thoảng có cây lớn thì cũng đã được chặt ngọn, tỉa cành gọn ghẽ.
Theo ông Vinh, lưới điện ở đây được bảo vệ tốt. “Dù trước đây là tài sản của địa phương hay gần đây đã bàn giao cho Công ty Điện lực Quảng Nam quản lý bán điện trực tiếp cho dân thì UBND xã vẫn luôn coi trọng việc phối hợp cùng ngành điện bảo vệ lưới điện, phát quang hành lang tuyến. Cứ mỗi quý một lần, xã cử lực lượng phối hợp với ngành điện tổ chức kiểm tra, phát quang hành lang tuyến. Đầu mùa mưa hàng năm, rà soát toàn bộ các xuất tuyến. Ngoài ra, người dân trong xã cũng rất có ý thức, không thực hiện những hành vi xâm hại lưới điện như cơi nới nhà cửa hoặc trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ trong hành lang an toàn lưới điện” - ông Vinh nói.
Liên quan đến phạm vi và trách nhiệm quản lý của mình, ông Lê Đức Anh, Giám đốc Điện lực Tiên Phước thông tin thêm, trong thời gian qua, trên địa bàn xã Tam Lãnh hầu như không tồn tại các điểm, các vị trí vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Nguyên nhân là do từ những năm trước, UBND xã đã phối hợp cùng Điện lực giải quyết dứt điểm các vị trí có khả năng vi phạm hành lang tuyến; đồng thời thường xuyên tuyên truyền và có biện pháp ngăn chặn những vụ việc phát sinh. Vì thế, người dân chấp hành khá tốt những quy định về bảo vệ hành lang lưới điện.
Bà Nguyễn Thị Trinh, một người dân trong thôn, tâm sự: “Tôi mở quán bán hàng ăn uống nên rất cần có điện ổn định để thu hút khách. May thay ở đây hầu như không có chuyện cắt điện lặt vặt, cũng không có chuyện mất điện do cây ngã đổ vào lưới điện”. Theo bà Trinh, do cách làm khá tích cực của UBND xã và ngành điện nên người dân rất “thấm” và tự mình xử lý những điểm “bất an” do mình gây ra đối với hành lang tuyến. Còn đối với những hộ neo đơn, những vườn cây trồng rộng lớn thì UBND xã cử lực lượng phối hợp cùng công nhân điện tổ chức chặt cây, tỉa cành.
“Nói chung, việc giải quyết hành lang an toàn lưới điện trên địa bàn xã rất nhẹ nhàng, người dân ủng hộ nhiệt tình và tự giác thực hiện, không bao giờ có người chống đối hoặc đòi hỏi đền bù này nọ. Bởi đa số họ đều ý thức được tầm quan trọng của việc bảo vệ hành lang an toàn lưới điện, đó cũng chính là bảo vệ quyền lợi và an toàn cho mọi người” – Ông Vinh tâm sự.
Như vậy có thể thấy, câu chuyện vi phạm hành lang lưới điện từ lâu đã không còn là chuyện bức xúc, trăn trở ở Tam Lãnh, bởi có sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền địa phương với Công ty Điện lực Quảng Nam, với sự hậu thuẫn và hỗ trợ đầy tinh thần trách nhiệm của người dân trong xã. Ngay cả việc giao đất, giao rừng để người dân canh tác ở những vùng có lưới điện đi qua, UBND xã cũng cảnh báo trước khi giao đất để bảo đảm hành lang an toàn lưới điện.
Việc giảm thiểu, tiến đến chấm dứt hẳn tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện ở Tam Lãnh, không chỉ mang lại nhiều lợi ích cho người dân như bảo đảm cung ứng điện ổn định, an toàn cho người và tài sản mà còn giữ vững ổn định sản lượng điện cung ứng, giảm công sức và tiền của khi xử lý sự cố của đơn vị cung ứng điện.
Tháng 3/2011, UBND xã tổ chức lễ phát động xây dựng nông thôn mới, trong đó đã xác định tiêu chí về điện tương đối đáp ứng đủ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Tuy nhiên, lưới điện này đã xuống cấp cần phải được cải tạo, nhưng nhu cầu vốn đầu tư quá lớn phải chờ ngành điện giải quyết. Vì vậy, trong những năm trước mắt UBND xã phấn đấu tiếp tục chỉ đạo giải quyết thật tốt hành lang an toàn lưới điện nhằm bảo đảm cung ứng điện ổn định và có chất lượng cho người dân.
Chủ tịch UBND xã Bùi Quang Minh cho biết, vừa qua Tổng công ty Điện lực miền Trung đã có kế hoạch đầu tư cải tạo, nâng cấp lưới điện ở Tam Lãnh cùng với hàng chục xã trên địa bàn tỉnh bằng nguồn vốn vay ADB; đồng thời mở rộng 10km đường dây hạ áp nhằm cải thiện chất lượng điện ở những xóm dân đang kéo dây tạm và khá xa so với nguồn điện. Ông Minh khẳng định, với dự án này khi hoàn thành chắc chắn tiêu chí về cho xã nông thôn mới Tam Lãnh sẽ đáp ứng yêu cầu đề ra. Vì vậy, UBND xã sẽ nỗ lực phối hợp với các đơn vị chức năng và các bên thi công làm tốt việc giải tỏa đền bù và bàn giao mặt bằng; vận động nhân dân hỗ trợ và hậu thuẫn tích cực để công trình được thi công thuận lợi, sớm bàn giao đưa vào sử dụng nhằm tăng cường độ tin cậy cấp điện cho người dân trong xã.
Thực trạng an toàn hành lang lưới điện đang ngày càng tốt hơn trong điều kiện lưới điện sau giao - nhận đã xuống cấp ở Tam Lãnh thiết nghĩ là kết quả của việc triển khai, quán triệt thực hiện nghiêm túc quy chế phối hợp hành động mà UBND huyện Phú Ninh và thành phố Tam Kỳ đã ký kết với Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Nam trong việc chia sẻ trách nhiệm của đôi bên đối với các hoạt động điện lực ở địa phương. Nhưng quan trọng hơn vẫn là việc tạo dựng mối quan hệ thân thiện, phối hợp trách nhiệm chặt chẽ giữa các cấp chính quyền ở xã và sự đồng thuận của người dân đối với ngành điện nên mới tạo dựng được một hành lang lưới điện bảo đảm tiêu chí kỹ thuật an toàn như ở Tam Lãnh.
Với một số kinh nghiệm, cách làm ở xã Tam Lãnh, hy vọng sẽ được nhân rộng điển hình để các địa phương khác vào cuộc, góp phần giữ vững an toàn lưới điện phục vụ tốt kinh tế - xã hội địa phương. Trước mắt là tạo thêm điểm nhấn để kế hoạch phối hợp thực hiện quản lý hành lang an toàn lưới điện đã ký kết giữa Công ty Điện lực Quảng Nam cùng UBND huyện Phú Ninh được triển khai tốt, nhất là đối với xã thí điểm Tam Đàn (huyện Phú Ninh)./.
(Nhị Triều)
Nguồn : http://eqn.com.vn/
Tin liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét