Home » Tam Lãnh
Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2013
BỒNG MIÊU MỘT CẢM NHẬN
NGUYỄN DUY VƯƠNG
Chiều ngồi trên Đỉnh Bồng Miêu
Ngó về Phố Núi lòng ray rứt buồn.
Ngó về Phố Núi lòng ray rứt buồn.
1. Từ đỉnh đồi nhìn về hướng tây, phố núi hiện lên rõ ràng, phân biệt được cả những khu tập trung, vùng ven và những ngôi nhà ẩn ẩn hiện hiện trong những dãy sườn núi. Không biết cái tên “Bồng Miêu” có từ bao giờ, nhưng địa danh Bồng Miêu cũng đã ghi vào sổ sách dân tộc từ thời Pháp thuộc. Nơi đây, ngày trước núi rừng âm u, hùng vĩ, nên ít ai ghé lại.
Trông lên núi ngả đầu chào
Trông về xóm nhỏ, lập lờ sương xanh !
Không phải tự nhiên mà tôi vẽ lên câu thơ như vây. Ở đây mới rõ, sáng sớm đứng trên Đỉnh đồi nhìn về các hướng Đông, Nam, Bắc.. đâu đâu cũng là núi rừng trùng điệp lấp ló sau làn sương phủ, nhìn về hướng Tây là biển cả bao la. Nói khoác vậy thôi chứ hồ chứa nước của Công ty khai thác vàng Bồng Miêu ẩn ẩn hiện hiện trong sương sớm, thật lung linh huyền bí. Nhìn như một vùng trời non nước hữu tình.Ngày xưa ông Thái Thượng Lão Quân vẽ ra bản Thạnh Thế Hồng Đồ để phân chia Trời Đất, chắc có lẽ ông ta có một chút cảm hứng nào đó để “phết” lên quê tôi những nét đẹp lạ lùng. Trải tấm nylon trên phiến đá bằng phẳng. Một tách cafe, vài điếu thuốc con ngựa. Thật tình quá đủ, tôi cảm thấy như vậy. Và, chính nhờ cái đạm bạc này mà tôi mới thấy hết được cái đẹp đơn sơ, giản dị của núi rừng quê tôi, cái đẹp vừa uy nghi, kỳ bí vừa phảng phất một chút đa tình, nên thơ, lãng mạn.
2. Ngồi trên Đỉnh Bồng Miêu hớp một ngụm cafe bên chốt gác, khà lên một tiếng thật kêu rồi đưa mắt nhìn ra tám hướng, thả hồn đi khắp bốn phương mới thấy hết cái thú vị của đời người. Hình như cái thú vị của đời người không hẳn hoàn toàn do cảm nhận từ những niềm vui mà đôi khi còn cảm nhận được từ những nỗi buồn.
Chiều ở đây thật buồn
Mây đùn quanh tám hướng
Thung lũng dày sương mù
Tôi ngồi nghe gió hú
Dân tôi đi bòn vàng
Nghe đau từng nhát búa
Có con chim lạc đàn
Xoãi cánh chiều qua núi
Rừng ngàn năm vẫn buồn
Chôn sâu niềm u uẩn
Người làng tôi vẫn thế
Đi trong đêm sương rừng
Rừng ngàn năm còn đó
Tôi trăm năm còn đây
Rừng lắc lay theo búa
Tôi nhìn mưa thu bay.
Mưa thì thầm trên lá
Tôi thì thầm với ai!?
Dân thì thầm với đá.
Tôi một mình nơi đây
3. Người làng tôi, dân làm vàng đi lên núi bằng nhiều ngã khác nhau. Tất cả các con đường đều qua Bông Miêu. Mỗi giao điểm của lối mòn xe cộ và con đường qua lại đều được alibaba (bọn Tây ba lô hay gọi người bòn vàng quê tôi như vậy) đặt cho mỗi nơi một cái tên nghe rất là “địa phương” : Dân Sinh, Suối Lò, Cầu Lủng v.v... Cầu Lủng là nơi xe vận chuyển vàng của bọn Pháp bắt buộc phải đi qua. Thời chiến tranh Việt – Pháp, lính du kích ta thường phục kích ở các nơi này và gây thiệt hại cho bọn chúng rất nhiều người. Đoạn đường này, ngày trước là tuyến giao thông duy nhất vào mỏ Núi Kẽm lập thành một khu vực địa dư mà thời chiến tranh được mệnh danh là “chiến trường kinh tuyến”. Sau khi giải phóng ,cầu lủng... bị bỏ phế và thành tuyến đường dân quản.
Thong dong một chiếc xe thồ
Nhạc khua lóc cóc giữa lòng rừng sâu
Ngoảnh nhìn phận số ta đâu
Bóng hình xưa đã nhạt vào xa xăm
Ở đâu còn một chỗ nằm
Cho người thua cuộc về thăm núi này!…
4. Trên lộ trình đoạn đường. Dân Sinh ,đường núi cheo leo. Xưa,xe thồ thô sơ còn buộc phải dắt qua một vài địa thế vô cùng hiểm trở,nhưng giờ những chiếc " Cọc Cạch" (xe tự chế) phi như vó ngựa tung hoành thảo nguyên, nhưng cũng không ít người phải rùng mình..
Cuộc sống quê tôi là vậy:
Không đi thì đói thì nghèo
Mà đi thì sợ cái Đèo Dân Sinh
Hai câu lục bát dân chế này không biết có từ lúc nào, nhưng cái đoạn đường Dân Sinh thi mới mở từ thời thành lập nhà máy vàng Bồng Miêu thôi. Nếu cái tên “Đường Dân Sinh” gợi lên một cảm giác thật dân dã và bình dị thì thực tế nó lại rất phức tạp. Thực ra thì cũng không đến nỗi như vậy. Đoạn Dân Sinh chỉ là một khúc quanh rất ngặt, nhưng khổ nỗi là khúc quanh này lại nằm giữa bờ núi phía dưới là hố nhưng rất sâu. Khi chiếc xe lao xuống dốc, người lái xe phải vất vã điều khiển. Mà trời xanh cũng ngộ, đường hiểm trở thì có dân tài, ví von nếu cảnh sát giao thông mà nhìn thấy dân tôi đi sang đoạn đường trên thì có lẻ tự cấp chứng chỉ và giấy phép lái xe (!). Chao ôi ! Nếu đâm đầu vào đó thì… “tía tôi cũng lìa!”.
Nhưng không sao, người lái xe sau mấy ngày đi “bòn” thì cũng thành dân "moto bay" cả, Khi qua được đến cuối con đường, người lái xe cảm thấy mình thật vĩ đại ! Hú hồn… Mãi phiêu lưu, chơt tôi giật mình khi nghe tiếng gọi của mấy anh vọng tới, đã đến giờ giao ca rồi nhóc. Sao thơ thẩn thế! Quay mặt cười và thu xếp đồ dùn lai.. Tôi về nhà đây, hết giờ làm việc rồi. Mai tôi trở lại cùng gặp bạn nhé... Bồng Miêu lắm chuyện phong trần. Dân tôi cày đá, nhưng đời lun vui..
N.D.V
Bài được sử dụng lại từ Blog tác giả
Tác giả Nguyễn Duy Vương
Tin liên quan
Chỉ những ai từng "Ngách Chụm rồi lại Nhà Thùng" mới hiểu hết câu "Nghe đau từng nhát búa". Nghĩ về cảnh làm vàng nhọc nhằn, nguy hiểm mà thấy thương dân xã mình biết bao. Ai bảo làm vàng là sướng, mau giàu. Được mấy người như thế. Sao không nghĩ đến cảnh sụp hầm, ngột khí trong lò, sao không nghĩ đến cảnh bò, trườn, lê, lếch, rúc, chui... rách tay, sướt mặt. Một li vàng làm ra đổi lại bao nhiêu mồ hôi, nước mắt,.. thậm chí cả mạng sống mong manh. Một chiếc nhẫn vàng xinh đẹp đeo trên tay biết đâu đó là máu, là mồ hôi người làm vàng... Đọc bài viết này của Duy Vương, tôi thật sự cảm động và hiểu được một tấm lòng. Cảm ơn tác giả vì những trang văn đáng quý...
Trả lờiXóaKhi viết bài này em đang làm việc tại Bông Miêu..
Trả lờiXóaNghĩ gì viết vậy thôi.
Cảm ơn anh Vũ đã quá khen.