Home » TRANG VĂN
Thứ Ba, 19 tháng 11, 2013
CÔ GIÁO ĐẦU TIÊN CỦA TÔI
Kính tặng cô Dung
(Cô giáo đầu tiên của tôi)
Tôi không sao quên được ngày đầu tiên đến lớp của mình. Ấy là một buổi sáng mùa thu nơi miền rừng núi trời trong veo và có chút se se lạnh của những cơn gió đầu mùa. Mẹ dắt tôi đi trên con đường rừng quen thuộc đến trường mẫu giáo. Giao tôi cho cô rồi mẹ vội vàng trở về cho kịp giờ lên nương. Lần đầu tiên tôi đứng giữ nhiều người mà không có mẹ. Ngơ ngác, sợ sệt. Và tôi đã òa khóc ngon lành trước mặt cô và các bạn trong ngày đi học đầu tiên. Cô phải dỗ rất lâu tôi mới nín. Nghĩ về ngày xưa, bỗng thấy thương những kí ức của một thời thơ dại cắp sách đến trường. Ấy là “ngày đầu tiên đi học, em mắt ướt nhạt nhòa. Cô vỗ về an ủi. Chao ôi, sao thiết tha”. Có lẽ bởi vậy mà tôi là đứa được cô thương nhất lớp.
Ngày còn mẫu giáo, tôi là đứa trẻ nhút nhát. Vào lớp tôi ngồi lặng lẽ nơi cuối bàn, chưa bao giờ tôi dám hát một bài trước lớp. Những giờ học múa, tôi thường chỉ biết đứng im, bạn bè cười chọc thế nào tôi cũng chẳng dám đứng vào hàng. Những lần chiếc bút chì gảy mũi hay quên mang chì màu, tôi cũng không dám mượn của ai. Lúc thu bài, tôi nộp cho cô bài viết dang dở, hay bức tranh chỉ có màu chì nâu, cô chưa kịp hỏi gì thì mắt đứa học trò nhỏ dại đã rơm rớm. Trong suy nghĩ của tôi lúc ấy, chắc cô sẽ mắng tôi một trận rồi. Nhưng không, cô mĩm cười rất hiền, bảo sao con không mượn của bạn, bạn bè trong lớp phải biết quan tâm giúp đỡ nhau, lần sau thiếu hay quên gì con phải nói cùng cô và các bạn, con nhớ chưa. Tôi dạn dĩ dần, hòa đồng dần với bạn trong lớp chính bởi cô giáo tôi quan tâm ân cần. Sau này tôi có thể đứng trước rất nhiều người, dẫn nhiều chương trình quan trọng. Có lẽ người cho tôi nhiều nhất để có được như hôm nay là cô giáo ngày xưa.
Ngày mẫu giáo, tôi là đứa trẻ còi cọc và hay đau ốm. Cũng như bao người dân trong làng, cha mẹ tôi thuở ấy suốt ngày quần quật trên nương, có những năm phải cả ngày vào rừng đốn củi đổi gạo mà vẫn đói cơm. Cho nên anh em tôi, cả cha mẹ nữa, ít khi nào nghĩ đến sức khỏe của mình. Ngày còn mẫu giáo, tôi thường hay vắng học, không phải bởi tôi lười, mà do những trận ốm. Tôi ngày nào cũng đến lớp sớm nhất, dù phải đi bộ mấy cây số đường rừng, nên hôm nào vắng tôi trên lớp, cô biết ngay tôi bị ốm rồi. Cuối buổi học, cô lại lặn lội đi mấy cây đường đất đá, phải lội qua con suối và vượt mấy dốc cao đến thăm tôi. Tôi còn nhớ mãi lon sữa cô mua đem vào thăm tôi ngày ấy. Đó là niềm mơ ước cả một thời bé dại của tuổi thơ tôi khó nghèo. Tôi sung sướng thầm biết ơn cô, nhưng chưa bao giờ biết được, lon sữa ấy là mấy ngày lương của cô. Thầy cô của tôi ngày ấy hầu hết đều ở miền xuôi lên đây công tác. Những năm 90 đất nước khó nghèo, quê miền núi của tôi chưa bao giờ hết đói. Thầy cô tôi cũng thiếu thốn mọi bề.
Nhiều hôm tôi đau ngay trên lớp, cô phải cho các bạn nghỉ sớm, dặn dò kĩ càng không được la cà, ai về nhà nấy rồi cô đưa tôi về. Có hôm cha mẹ làm nương chưa về kịp, cô tự tay xoa dầu hơ bụng cho tồi. Cha mẹ về, thương cô giáo mà nấu cơm mời cô ở lại ăn bữa trưa. Mâm cơm một thuở khổ nghèo chỉ có rau rừng nấu canh, cơm độn thêm sắn, một bát mắm nêm lấy trong hủ mẹ mua để dành cho những ngày mưa gió. Bữa cơm ngày ấy sao mà nghẹn ngào, những con người đói khổ chỉ biết ngậm ngùi nhìn nhau. Cô giáo tôi cũng là con một gia đình nông dân dưới xuôi, quanh năm bán mặt phơi lưng giữa ruộng đồng cũng chưa một ngày no đủ. Cô tôi được đi học, rồi được phân công về miền núi này. Ngày ấy lương giáo viên rất thấp, nhiều thầy cô tôi phải bỏ nghề về đốt rẫy làm nương. Nhưng cô vẫn không bỏ được nghề mình đã chọn, bởi lẽ cô tôi yêu nghề giáo cao quý này.
Năm tôi vào cấp 1, cô giáo tôi chuyển công tác. Đến bây giờ, gần hai chục năm rồi, tôi chưa một lần được gặp lại người cô tôi kính yêu như mẹ. Nhiều lần tôi về trường cũ, đi dò hỏi vài nơi nhưng không tìm được địa chỉ của cô. Không biết giờ này cô đang dạy ở đồng bằng, nơi quê nhà cô, hay ở một miền núi cao, vùng biên giới nào. Không biết bây giờ cô tôi có còn vất vả như một thời cơm độn sắn mì. Nhưng dù thế nào tôi cũng tin cô sẽ luôn thành công, hạnh phúc. Bởi cô tôi có lòng yêu nghề, yêu trò chưa bao giờ nguội. Đó là tình yêu cho tôi nét chữ đầu đời, cho tôi những bài học làm người đầu tiên. Ngày Hiến chương Nhà giáo lại về, nghĩ về cô tự nhiên thấy lòng mình có lỗi, thấy thương cô vô cùng. Muốn chạy về bên cô, như đứa học trò bé bỏng ngày nào lần đầu tiên đến lớp, mà đứng khóc ngon lành trước mặt cô giáo đầu tiên của tôi. Cô ơi…
Phạm Tuấn Vũ
Bài đã đăng trên tạp chí Tài Hoa Trẻ
số ra ngày 20/11/2013
Tin liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét