Home » TRANG VĂN
Chủ Nhật, 14 tháng 9, 2014
MIẾU TRẮNG-CHIÊN ĐÀN, NGÃ BA AN LÂU VÀ CHỨNG TÍCH KHÁNH THỌ- NHỮNG DẤU ẤN LỊCH SỬ
Có những giai đoạn lịch sử mà qua sự thử thách của thời gian là những ký ức mờ nhạt, nhưng cũng có những giai đoạn lịch sử ngày càng tỏa sáng và trở thành mốc son trong lịch sử của dân tộc, giai đoạn 1954-1959 là một giai đoạn như thế- một thời kỳ lịch sử đầy đau thương nhưng rất đỗi anh hùng.
Ngày 20/7/1954, Hiệp định Giơ-ne-vơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Đông Dương được ký kết. Thực dân Pháp buộc phải công nhận độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Theo hiệp định, nước Việt Nam tạm thời chia thành hai miền Nam- Bắc, lấy vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải- Quảng Trị) làm giới tuyến quân sự tạm thời để hai bên tập kết lực lượng. Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, miền Nam tạm thời nằm dưới quyền kiểm soát của quân đội liên hiệp Pháp và đến ngày 20 tháng 7 năm 1956, dưới sự kiểm soát của cộng đồng quốc tế, nhân dân hai miền sẽ tổ chức Tổng tuyển cử tự do để thống nhất nước nhà. Nhưng đế quốc Mỹ trắng trợn công khai phá hoại hiệp định, không thực hiện những điều cam kết quốc tế, hất cẳng Pháp, nhảy vào miền Nam Việt Nam, đưa Ngô Đình Diệm về lập chính phủ bù nhìn, thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ để tấn công miền Bắc, thôn tính ba nước Đông Dương.
Sau khi Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, ta nghiêm chỉnh chấp hành các điều khoản đã được ký kết; đồng thời tranh thủ thời gian trước khi địch tiếp quản để tập trung giải quyết một số vấn đề cấp bách như: tuyên truyền về đường lối của Đảng, sắp xếp lại tổ chức, chuyển hướng hoạt động cho phù hợp với tình hình mới; thi hành Hiệp định chuyển quân tập kết đúng thời gian quy định... Thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh uỷ, Huyện uỷ chọn 64 cán bộ, đảng viên trung kiên thoát ly hoạt động bất hợp pháp, cơ quan Huyện uỷ gồm 8 đồng chí, số đảng viên còn lại thành lập 7 đoàn công tác phân công phụ trách các vùng. Giải thể, kiện toàn, củng cố, rút gọn cấp uỷ đảng xã. Mỗi chi bộ có từ 3 đến 10 đảng viên, chịu sự chỉ đạo của đoàn công tác Huyện uỷ. Về phương pháp đấu tranh, Huyện uỷ hướng dẫn nhân dân đấu tranh bằng chính trị, đấu tranh đòi tự do, dân chủ, đòi phía địch nghiêm chỉnh thi hành các điều khoản của Hiệp định; tìm cách gây khó khăn, kéo dài việc lập chính quyền của địch để ta có điều kiện củng cố lực lượng.
Trong lúc ta nghiêm chỉnh chấp hành các điều khoản đã ký kết tại Hiệp định thì ngược lại với ta, địch trắng trợn phá bỏ các điều khoản đã ký kết, chúng lập ra bộ máy nguỵ quyền, đổi huyện Tam Kỳ thành quận Tam Kỳ do tên Phan Thiệp, Quốc dân Đảng làm Quận trưởng; xúc tiến việc thành lập chính quyền cấp xã; lùng sục, bắt bớ cán bộ cách mạng, vận động nhân dân lập chính quyền... Nhưng âm mưu và thủ đoạn của địch đã bị ngăn chặn, nhân dân ta không ủng hộ việc làm của địch, đã vận động binh lính cung cấp thông tin cho cách mạng. Không lôi kéo được quần chúng, địch ra mặt khiêu khích, đưa lính đi phá bỏ các khẩu hiệu viết trên bia có nội dung liên quan đến thi hành Hiệp định. Hành động ngang ngược của chúng là nguyên nhân dẫn đến các cuộc đấu tranh của nhân dân ta tại Miếu Trắng-Chiên Đàn và ngã ba An Lâu.
Ngày 27 tháng 9 năm 1954, quân địch kéo vào khu vực Miếu Trắng- Chiên Đàn, đập phá các tấm bia ghi các điều khoản của Hiệp định Giơ-ne-vơ, xoá bỏ các khẩu hiệu hoà bình, hoà hợp dân tộc. Trước hành động phá hoại vô cùng trắng trợn của kẻ địch, nhân dân các xã Tam An, Tam Phước và hàng trăm thanh niên, học sinh tay cầm gậy gộc, cuốc xẻng kéo xuống ngã ba Chiên Đàn đấu tranh phản đối hành động vi phạm Hiệp định Giơ-ne-vơ, vi phạm quyền tự do dân chủ, khủng bố nhân dân của quân địch; yêu cầu chúng phải thả tự do cho đồng chí Uẩn và các người bị bắt, xây dựng lại các tấm bia, viết lại các khẩu hiệu mà địch đã cố tình phá bỏ. Nhưng địch không chịu đáp ứng, chúng còn hung hăng gọi quân ở Tam Kỳ và Tuần Dưỡng đến chi viện, giải vây. 18 giờ cùng ngày, địch đã xả súng đàn áp cuộc đấu tranh, làm chết tại chỗ 79 người và bị thương hơn 100 người.
Trước tình hình diễn biến phức tạp, Huyện uỷ tổ chức cuộc họp chỉ đạo khẩn trương băng bó, cứu chữa cho những người bị thương, chôn cất những người đã hy sinh, hạn chế tập trung đông người, vận động nhân dân chuyển cuộc đấu tranh sang hình thức khác thích hợp hơn. Nhưng trước sự hy sinh mất mát quá lớn của đồng bào đồng chí, nhân dân khắp các xã, nhất là giới học sinh, thanh niên kéo đến ngày càng đông, huy động mọi người tiếp tục duy trì cuộc đấu tranh. Ngày 28 tháng 9 năm 1954, cuộc đấu tranh biến thành cuộc biểu tình với quy mô lớn với khí thế sôi sục, nhưng địch đã xả súng bắn vào đoàn biểu tình, làm 14 người chết và bị thương. Cuộc đấu tranh kéo dài và diễn biến không có lợi cho ta. Để tránh sự tổn thất không cần thiết, Huyện uỷ chỉ đạo kiên quyết vận động nhân dân chuyển hướng cuộc đấu tranh, nhằm tránh bị tổn thất. Trước sức ép của cuộc đấu tranh, chúng tiến hành rút quân và hứa bồi thường thiệt hại. Cuộc đấu tranh Miếu Trắng- Chiên Đàn nhanh chóng lan ra trong toàn tỉnh, cùng với sự kiện Chợ Được-Thăng Bình, Cây Cốc-Tiên Phước gây chấn động cả nước, Đài tiếng nói Việt Nam đã đưa tin tố cáo vụ địch đã tàn sát nhân dân tại Chiên Đàn. Nhân dân hai miền Nam- Bắc đã tổ chức nhiều cuộc mit-ting phản đối hành động dã man, phá hoại Hiệp địch của địch.
Âm mưu và thủ đoạn của chúng không dừng lại đó, cuối tháng 9 năm 1954, địch cho quân từ Tam Kỳ lên ngã ba An Lâu, xã Tam Lãnh đập phá tấm bia ghi điều 14c của Hiệp định Giơ-ne-vơ. Trước hành động của địch, trên 400 người dân ở các thôn An Lâu, Trung Đàn, Bồng Miêu, Phước Lợi... tập trung về ngã ba An Lâu đấu tranh yêu cầu địch ghi lại nội dung tấm bia và nghiêm chỉnh chấp hành Hiệp định Giơ-ne-vơ nhưng địch không những không chấp nhận yêu cầu của nhân dân ta mà còn đánh đập, đàn áp nhân dân ta dã man. Cuộc đấu tranh diễn ra hơn 3 giờ đồng hồ, cuối cùng địch cũng phải chấp nhận một phần yêu cầu của ta, chúng trả tự do cho những người bị bắt.
Sau khi gây ra những vụ thảm sát đẫm máu ở Miếu Trắng- Chiên Đàn, ngã ba An Lâu (Tam Lãnh) và một số nơi trên địa bàn tỉnh, từ tháng 2 đến tháng 5 năm 1955, chính quyền Diệm công khai phát động chiến dịch "tố cộng" tấn công các tổ chức Đảng Cộng sản và phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân ta hòng tiêu diệt cán bộ, đảng viên nằm vùng, tiêu diệt lực lượng cách mạng, tiêu diệt tận gốc chủ nghĩa cộng sản nhằm tạo uy thế và điều kiện nhanh chóng hình thành bộ máy chính quyền nguỵ cấp cơ sở. Để thực hiện được âm mưu và thủ đoạn của mình, Mỹ- Diệm đã biến nhiều nơi trên địa bàn toàn tỉnh thành nơi bắt giam, tra tấn, thủ tiêu cán bộ, đảng viên của ta. Sau khi khảo sát đặc điểm địa hình Khánh Thọ, chúng chọn nơi đây để thực hiện mưu đồ của mình. Giữa năm 1955, dưới sự chỉ huy của Quận trưởng Tam Kỳ là Phan Thiệp- một tên Quốc dân đảng khét tiếng tàn bạo, cùng với một số tên phản động địa phương, địch đưa một tiểu đoàn Bảo An và một bộ phận mật vụ kéo về Khánh Thọ áp đảo dân và lập ra chính quyền khu Tây và bắt đầu quá trình gây tội ác. Tại Khánh Thọ, địch đã dùng những hình thức tra tấn man rợ nhất trong lịch sử loài người để buộc cán bộ, đảng viên và nhân dân ta khai báo, ly khai Đảng. Sau khi tra tấn đến chết, hoặc chưa chết, chúng đưa đến giếng lạng (giếng bà Kết) và khắp hệ thống hầm hào trong khu rừng chùa Khánh Thọ để chôn xác, phi tang tội ác. Từ năm 1955-1959, tại Khánh Thọ địch đã bắt giam, tra tấn và giết hại hàng ngàn cán bộ, đảng viên và quần chúng trung kiên của ta. Hành động của chúng nhằm huy hiếp tinh thần và ý chí cách mạng, nhưng chúng đã thất bại trước ý chí và lòng kiên trung của cán bộ, đảng viên và chiến sĩ ta, thà chịu sự tra tấn, hành hạ, huỷ diệt về cả thể xác lẫn tinh thần và chọn lấy cái chết chứ nhất định không khai báo, không chịu ly khai Đảng. Chính ý chí và lòng kiên trung của những đảng viên cộng sản và quần chúng trung kiên ở Khánh Thọ đã làm cho kẻ thù phải khiếp sợ, chùn bước.
Cuộc đấu tranh tại Miếu Trắng- Chiên Đàn, ngã ba An Lâu bị địch đàn áp dã man và đã có nhiều người hy sinh, nhưng đây là những cuộc đấu tranh chính trị có quy mô lớn đầu tiên của huyện Tam Kỳ, đã gây tiếng vang lớn và tạo chấn động dư luận khắp cả nước. Cuộc đấu tranh đã thể hiện ý chí, lòng dũng cảm của nhân dân, quyết đấu tranh đến cùng với địch để bảo vệ chân lý, bảo vệ thành quả cách mạng. Ý chí, lòng kiên trung đó còn được thử thách, tôi luyện khi mà địch đã dùng mọi thủ đoạn tra tấn man rợ nhất trong lịch sử loài người tại Chứng tích Khánh Thọ, nhưng vẫn không dập tắt được ý chí cách mạng và lòng dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta. Cuộc đấu tranh tại Miếu Trắng- Chiên Đàn, ngã ba An Lâu và Khánh Thọ cùng với phong trào cách mạng trên toàn miền Nam tạo cơ sở để Trung ương Đảng tổng kết, nhận định tình hình thực tiễn; đó cũng là nguyên nhân dẫn đến việc ra đời Nghị quyết 15 chuyển hướng chiến lược cách mạng trên toàn miền Nam.
Chiến tranh đã lùi xa gần 40 năm, nhưng tinh thần đấu tranh anh dũng tại Miếu Trắng- Chiên Đàn, ngã ba An Lâu-Tam Lãnh và sự kiên trung, bất khuất quyết không khai báo của những cán bộ, đảng viên cộng sản trước sự tra tấn dã man của địch tại Khánh Thọ vẫn còn mãi; trở thành biểu tượng sáng ngời về tinh thần yêu nước, ý chí độc lập, tự do của quân và dân xã Tam Đàn, Tam Lãnh, Tam Thái nói riêng và huyện Phú Ninh nói chung; là bài học kinh nghiệm vô giá để Đảng ta rút kinh nghiệm chỉ đạo chuyển hướng chiến lược từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh vũ trang và góp phần cùng cả nước làm nên thắng lợi của cuộc Tổng tiến công mùa xuân năm 1975, kết thúc 21 năm trường kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Nguyễn Thùy
BTG Huyện uỷ Phú Ninh
Nguồn : Cổng thông tin điện tử Phú Ninh
Tin liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét