Home » TRANG VĂN
Thứ Tư, 10 tháng 6, 2015
TỰ KHÚC BẰNG LĂNG (Tản văn của Nguyễn Thị Hạnh)
Quán café chiều nay thật tĩnh lặng, chỉ có vài vị khách ghé qua. Nhạc cũng trầm buồn như cùng chung tâm trạng của những người vào quán. Chợt giọng hát của Mỹ Tâm cất lên xao động cả không gian yên ắng, gợi về trong tôi những hoài niệm du dương:
“Nắng gửi gì cho hoa bằng lăng mà đượm màu tím biếc
Em đi qua bâng khuâng chợt tiếc, ôi màu mực tím năm nào.”
Tháng năm về. Hàng bằng lăng trên góc phố ngày nào giờ đã ra hoa tím ngắt. Nhớ làm sao những con đường rợp bóng bằng lăng năm tháng vẫn bùi ngùi mang theo màu tím của kỉ niệm ùa vào tâm tưởng dẫn dắt tôi về một thời áo trắng tinh khôi.
Kỉ niệm về một thời áo trắng bên cánh bằng lăng là hình ảnh những bạn bè thân thương với bao câu chuyện ngỗ nghịch tuổi học trò. Là những giận hờn vu vơ cùng bao rắc rối tuổi mới lớn. Là những ngây ngô vụng dại của một thời chạm ngõ yêu đương. Hàng bằng lăng sắc tím dung dị âm thầm khoe sắc trên con phố nhỏ cứ như một nốt nhạc bao mùa vẫn ngân mãi khúc hát yêu thương.
Đâu đó trong dòng hoài niệm thảng qua có bóng dáng những thầy cô mến thương ngày đêm miệt mài bên trong giáo án. Sắc tím của hoa vấn vương trên tà áo cô dịu dàng là bài học vỡ lòng cô mang đến lớp. Sắc tím ấy ấp ương trên những trang viết còn thơm mùi mực làm thổn thức con tim bao thế hệ học trò. Xung quanh những đôi mắt nâu óng ánh, có gương mặt rạng rỡ nụ cười của những cô cậu học trò đáng yêu, có cả ánh nhìn chứa đầy yêu thương trìu mến. Tất cả dành tặng thầy cô cùng bao mùa bằng lăng phảng phất, để ngày hè đến, tháng năm về lại bồi hồi xuyến xao.
Giữa những ngày tháng năm ngập nắng, nắng óng ánh rơi trên cánh hoa bằng lăng tím biếc chợt làm bước chân ai ngập ngừng nán lại. Bên hè phố xôn xao tiếng cười có kẻ tha thẩn dẫn dắt kí ức ngược dòng thời gian tìm về kỉ niệm.
Nhớ làm sao những sớm mai tôi cùng bạn đến trường. Đạp xe qua con phố nhỏ, hai bên đường hoa bằng lăng tím ngắt tỏa hương. Mùi hương dịu nhẹ ấy quyện trong những giọt sương mai vương trên tà áo làm nên thứ mùi đặc trưng thật khó lẫn lộn giữa nữ sinh hai trường.
Nhớ những lần tôi và bạn hẹn nhau dưới tán bằng lăng, rôm ran kể nhau nghe chuyện trường lớp, cùng nhau hút sột soạt ly nước mía đầu mùa ngọt lịm mà quên mất nắng hè chói chang đang len lén trên đỉnh đầu.
Nhớ những cánh hoa bằng lăng được ép vội trên trang lưu bút khi mùa chia tay vội vã ghé sang. Nhớ những kỉ niệm của tuổi học trò ẩm ương trong sắc tím bằng lăng chen chúc trước cổng trường. Nhớ nhành hoa tím mỏng manh cùng phong thư viết vội tôi lặng thầm ghim vào giỏ xe bạn ngày nào- là kỉ niệm ngây dại của một thời sao lắm mộng mơ, là ước mong được cùng nhau bước chung một cổng trường đại học, cùng nhau dạo bước trên khuôn viên trường ngan ngát hương hoa. Bao mùa đi qua, ước mơ vẫn cháy sáng nhưng bạn giờ đã cách xa một phương trời khác.
Kỉ niệm về tuổi học trò có sắc bằng lăng ngày ấy là dáng người nhỏ nhắn của bác Sáu hiền khô bán thứ siro thơm phức dưới gốc bằng lăng trước cổng trường. Có cả mùi thơm từ nồi xôi đậu quyện vào cánh mũi mỗi sáng cô Hương bê bán. Lẫn trong đó, có hương sắc bằng lăng, bao mùa vẫn miên man gợi về một nổi nhớ…
Đúng mùa, phượng hồng thắp lửa một trời, bằng lăng tím biếc một góc phố quen lại thấy có kẻ lặng thầm dọn dẹp cõi lòng để kỉ niệm bâng khuâng ùa về se sắt. Hàng bằng lăng trên góc phố ấy bao mùa vẫn mãi một sắc tím ngoan hiền. Lặng lẽ ra hoa rồi lặng lẽ lụi tàn người ta gọi màu tím dung dị ấy là màu của nhớ thương, của hoài niệm.
Trôi nổi trong dòng chảy bồn bề của cuộc sống, những góc phố quen, những con đường nhỏ với sắc tím bằng lăng giờ chỉ còn là hoài niệm của một thời áo trắng tinh khôi . Qua năm tháng, những nhịp thời gian vẫn không ngừng đua đuổi nhau. Ngoài kia, tưởng chừng có kẻ thẩn thờ bỏ quên cả kí ức nhưng thật lạ làm sao khi tháng năm về, bao dấu vết kỉ niệm ngày xưa bỗng vực dậy, tươi mới. Hè về, ve hát râm ran , bằng lăng đua nhau khoe sắc chợt thấy mình lững thững đâu đó trong bóng dáng ngày xưa, áo dài trắng thướt tha phất phới tung bay trên từng vòng quay xe đạp. Nơi ấy, bằng lăng sắc tím vẫn đợi chờ…
LINH LAN
Nguyễn Thị Hạnh
Tin liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét