Home » TRUYỆN CỘNG TÁC
Thứ Tư, 11 tháng 12, 2013
"GUẨNG NÔM" (Tây Nguyên Xanh)
Tác giả ảnh: Vũ Hùng |
Hôm nay ngày 11-12-2013, mở máy tính bắt gặp bài viết của anh Hoàng Hải Phương về chuyện phương ngữ, pha giọng và đổi giọng. Được anh ấy dẫn một bản bolero của ca sĩ Ánh Tuyết hát giọng Quảng Nam. Mình biết anh ấy đang nhớ quê nhà. Mình có còm trên blog của anh ấy một câu: “Hén đang nhớ Guẩng Nôm”. Có thể anh ấy giận hoặc không. Hai anh em có hai năm trời đọc blog của nhau nên chắc anh ấy hiểu tính mình.
Mình sinh ra đã nghe cô hàng xóm nạt con: “eng thì eng, hong eng thì tắc đèng đi ngẩu” (ăn thì ăn, không ăn thì tắt đèn đi ngủ). Ăn bánh in, bánh xèo, vui cười với người xứ Quảng. Thích lai rai nhậu món trai um chuối với người Quảng. Vậy nên với Quảng Nam mình thấy gần lắm, như quê mình vậy. Có lẽ cũng bởi một phần dân Quảng cũng như dân Nghệ, cũng chi – mô – tê – răng – rứa và đi đâu cũng bị nhại giọng.
Trước khi vào đại học, mình rất ghét đổi giọng. Dù rằng với danh nghĩa người Tây Nguyên thì nói với cái giọng nào cũng không bị chửi “chưa xa quê đã mất gốc”. Miễn là về nhà trở lại với người Nghệ An chính tông. Nhưng vào đại học, nhớ nhà nên đi dạo biển Quy Nhơn. Lúc ấy mình ở trên núi xuống phố thị nên cứ gặp người lớn tuổi là chào (he he). Cố tình đi lạc để biết đường nên vác mồm đi hỏi đường lia lịa.
Thế là gặp một cụ già. Cụ ấy sinh ra, lớn lên ở Quảng Ngãi, hai mươi năm sống ở chợ Tro (Nam Đàn - Nghệ An) quê nội của mình, và nay cụ an dưỡng tuổi già cùng con cháu ở Quy Nhơn - Bình Định nên khi nghe gọng nói của mình thì hình như nỗi nhớ xứ Nghệ trỗi dậy trong ông hay sao ấy. Hai ông cháu nói chuyện rất vui, mình biết chút chút về Quy Nhơn là nhờ cụ. Khi chia tay, cụ khuyên rằng: “Giữ được tiếng quê là tốt nhưng đừng quá thủ cựu”. Mình hiểu ý cụ và từ đó khi nghe ai đó pha giọng hoặc nhại giọng xứ Nghệ của mình chỉ cười và bụng nghĩ: “Pha giọng không khó. Đổi giọng mới khó. Nhưng khó nhất là bắt chước ngữ điệu và cách tổ hợp tiếng sao cho y sì người địa phương đó”.
Tây Nguyên là vùng đất tứ phương hội tụ nên hình thành môi trường đa phương ngữ. Thế hệ 9X như bọn mình có đứa một trăm phần trăm mang dòng máu của một miền quê nào đó, còn có đứa là sự kết hợp của hai bố mẹ gốc quê khác nhau. Tùy môi trường sống mà nói giọng giống bố hoặc mẹ, hoặc có thể nói giọng giống....ông hàng xóm. Là bởi vì chơi với trẻ con người hàng xóm nên nói giọng của chúng nó, thành ra nói tiếng giống nhà bên đó.
Ngày xưa mình nói giọng Quảng là vì thế. Sau này nói giọng Nghệ vì ở với hàng xóm Nghệ Tĩnh. Đi học nghe mấy đứa bạn nói chuyện với đủ thứ giọng. Nhưng mình luôn bị cuốn hút vào những gã bạn nói giọng lai. Ví dụ như Huế lai Quảng Nam. Nghệ An lai Thái Bình.
Nói đến đây mình nhớ cái thằng bạn hồi đi thi đại học ghê gớm. Hắn là người đầu tiên làm mình rung rinh vì giọng nói. Cái mã của hắn cũng đẹp nhưng mỗi tội gầy quắp (vì hắn mới chia tay mối tình đầu hố hố). Nghe hắn nói đã lỗi tai lắm. Ba hắn người Huế, di cư vô Núi Thành – Quảng Nam sống. Lấy Má hắn ở đó luôn. Vậy nên hắn có cái giọng Huế lai Quảng. Ui chu cha! Nghe hắn đã lỗ tai lắm. Cái ngọt của Huế pha cái bùi của Quảng. Mình suýt tình nguyện chết vì hắn. (Hí hí).
Ở chỗ mình có những gia đình “đa ngôn ngữ” vui lắm. Mẹ Thái Bình, cha Nghệ An sinh ra hai đứa con: Một đứa nói giọng của mẹ, một đứa nói giọng của cha. Bố mẹ người Quảng Nam. Con nói tiếng Nghệ An đặc sệt. Không biết nhà kia uốn nắn con nói giọng gì mà bố Quảng Nam, mẹ Nghệ An, sinh ra con nói giọng gần gần như Hà Nội (dù xung quanh toàn người Nghê và Quảng sống cùng nhau). Có lẽ do thế hệ F1 là biết sửa cái khó nghe trong thanh âm của quê mẹ để kết hợp với cái dễ nghe của bố để tạo nên một giọng...rất Tây Nguyên.
Đài phát thanh và truyền hình tình Đăk Lăk mình kết giọng nói của chị Lê Diệu và anh Xuân Sơn. Hai anh chị này đã góp mặt ngay từ những ngày đầu Đăk Lăk có phát sóng thới sự của tỉnh. Giọng nói của hai anh chị nghe rất đặc biệt. Cực khó đoán gốc của hai anh chị này. Cái gì lạ là cứ cuốn mình vào hay sao ấy. Hí hí. Nói vậy chứ mình không tưởng tượng nổi nếu Việt Nam chỉ có hai giọng nói Sài Gòn và Hà Nội thì văn hóa nước mình sẽ ra sao nhỉ?
Hôm nọ đọc bài tham luận trên trang blog Bản Tin Dịch Giả Trẻ, nội dung bàn về việc nếu cả thế giới chỉ nói một ngôn ngữ thì sẽ ra sao?. Nói một hồi thì cuối cùng ai cũng muốn trở lại đa ngôn ngữ để cùng nhau tìm về sự thống nhất để mà phát triển toàn diện. Ơ thì giọng xứ Việt mình cũng thế nhỉ. Chúng ta chấp nhận lai nhưng đừng lố là được đúng không?
Kết bài. Đi xử cái thằng thợ đi đổi ga mà bớt chai dầu khuyến mãi của nhà chủ cho nhà mình đã!
Buôn Ma Thuột,
ngày thế kỷ 11/12/2013
Tây Nguyên Xanh
(Gửi về từ Buôn Ma Thuột)
Tin liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét