Home » XỨ QUẢNG
Thứ Sáu, 2 tháng 5, 2014
Nghiên cứu : MỘT VÀI TÌM TÒI VỀ VĂN HỌC HÀ ĐÔNG XƯA (Thầy Phạm Văn Tưởng)
Phan Châu Trinh |
Trải qua gần 600 năm mở đất, với bao biến cố lịch sử, người Hà Đông xưa phải chịu đựng biết bao gian khổ, bền bỉ đấu tranh với thiên nhiên, thú dữ và những cuộc đấu tranh lâu dài, đầy gian khổ hy sinh chống ách thống trị của ngoại bang để dành độc lập tự do đã hun đúc nên những truyển thống tốt đẹp và phẩm chất cao quý của con người. Đó là lòng yêu nước nồng nàn; ý chí chiến đấu kiên cường, bất khuất; tinh thần đoàn kết thống nhất; tinh thần độc lập, tự do, tự cường; đức tính cần cù, chất phát, kiên trì, mưu trí, thông minh, sáng tạo và lạc quan trong cuộc sống. Tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất đã trở thành bản chất cố hữu của con người Hà Đông xưa, được thể hiện khá rõ nét trong các sáng tác văn học cùng thời.
Thông thường, dòng văn học chính thống luôn phản ánh những tư tưởng, ý thức hệ và truyền thống, đạo đức cộng đồng dân tộc. Nội dung văn học Việt Nam xưa cơ bản do ý thức chính trị phong kiến, triết lý Nho học quyết định và có sự tiếp thu, chọn lọc của nền văn hóa, văn học phương Tây. Sự kết hợp những yếu tố trên với tài năng và tấm lòng trong sáng đã đem tới cho các thế hệ sang tác văn học Việt Nam xưa ý chí, tình yêu vô bờ bến, vững bước với sự nghiệp của dân tộc. Hà Đông cũng đóng góp một phần với với văn học Quảng Nam và cả nước. Hà Đông không có ai trong số “tứ kiệt” và “tứ hổ”, nhưng trong số đó có cụ Huỳnh Thúc Kháng cụ Phan Châu Trinh thời đó còn là người của đất Tam Kỳ, là 2 trong số 3 vị đi Nam du vào tháng 5/1905. Trong chuyến đi ấy, các cụ đã có 2 tác phẩm tập thể rất nổi tiếng lúc bấy giờ.
Cụ Phan Châu Trinh sinh ngày 9/9/1872, người làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ (nay thuộc xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh), tỉnh Quảng Nam, hiệu là Tây Hồ Hy Mã, tự là Tử Cán. Khoa Canh Tý (1900), đỗ cử nhân, năm sau (1901), triều đình mở ân khoa, cụ đỗ phó bảng, về quê chịu tang anh và dạy học đến năm Quý Mão (1903) thì được bổ làm Thừa biện Bộ Lễ. Là người có học vấn, lại tiếp xúc với nhiều người có tư tưởng canh tân và đọc được các tân thư, năm 1905, ông từ quan, rồi cùng với hai bạn học là Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng làm cuộc Nam du, với mục đích xem xét dân tình, sĩ khí và tìm bạn đồng chí hướng. Đến Bình Định, gặp kỳ khảo hạch thường niên của tỉnh (1905), vào trường thi cụ đã làm một bài thơ, sau này chỉ có một nguyên tác bằng chữ nho, mà trong Nam ngoài Bắc có rất nhiều bản dịch ra Việt văn. Chủ đề bài thơ dụng ý đả kích văn chương phù phiếm, không ích gi cho việc dân, việc nước và cố thức tỉnh tinh thần yêu nước, phá bỏ kiếp ngựa trâu. Bài thơ được dịch như sau:
Cuộc đời ngoảnh lại vắng không
Giang sơn nào khóc anh hùng được đâu
Cưỡng quyền dậm đạp mái đầu
Văn chương tám vế sang câu mơ màng
Tháng ngày uất hận đành cam
Sổ lồng tháo cũi biết làm sao đây
Những ai tâm huyết vơi đầy
Dốc lòng văn đạo, thơ này thấu cho
Trước thời cụ Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng ở Hà Đông đã có nhiều người đỗ đạt và có một số đại khoa. Cụ Trần Văn Dư đỗ tiến sỹ năm 1875, chức vụ cuối cùng của cụ là Sơn phòng sứ, nên người đương thời gọi là cụ Sơn Dư. Tác phẩm văn học cụ để lại, mới tìm thấy bản sao di ngôn tuyệt mệnh; đáng chú ý là các bản cáo thị Cần Vương bằng chữ nôm (bản sao) ra ngày 22/7/1885 (năm Hàm Nghi nguyên niên). Cáo thị có nội dung như lời hịch, kêu gọi sĩ phu và nhân dân toàn tỉnh ứng nghĩa của vua Hàm Nghi.
Đồng thời với cụ Trần Dư, có cụ Nguyễn Dục đỗ phó bảng năm Minh Mạng thứ 19 (Mậu Tuất, 1938), người làng Chiên Đàn, tổng Chiên Đàn Trung (nay là thôn An Thọ, xã Tam An, huyện Phú Ninh, Quảng Nam). Sự nghiệp văn chương của cụ chưa sưu tầm được tác phẩm nào. Lúc giữ chức Hoàng thân giảng tập, được vua Tự Đức phê là hà mô phạm, đạo đức xứng đáng. Bên cạnh đó còn có cụ Nguyễn Thích (con cụ Nguyễn Dục) cũng đỗ tiến sĩ, các cụ Nuyễn Đình, Trịnh Luyện đều đỗ cử nhân, ra làm quan; cụ Trần Hoán người làng Chiên Đàn (Tam An) đỗ cả cử nhân văn, cử nhân võ, tham gia Nghĩa Hội (1885) và từ trần; cụ Phan Bá Phiến người làng Tân Lược (Tam Tiến) đỗ cử nhân làm Tri huyện, rồi bỏ về làm đứng trong hàng ngũ thủ lĩnh Cần Vương Quảng Nam và hy sinh oanh liệt. Cán cụ tuy không để lại, hoặc chưa tìm ra được tác phẩm nào nhưng khí tiết và lòng yêu nước mãi mãi được lịch sử ghi nhận muôn đời.
Ngoài bộ phận văn học của các cụ đỗ đạt các khoa cử ra làm quan, trong sự nghiệp văn học Hà Đông xưa, còn một số không ít các cụ là tú tài và các học giả không khoa bảng. Các tác phẩm này, phần lớn sử sách xưa không ghi chép. Qua truyền miệng, cho thấy tác phẩm ở mỗi cụ có mỗi phong cách riêng: Tinh thần yêu dân tộc của cụ tú Nguyễn Tấn Chí lồng trong khung cảnh người cùng dân Việt Nam còng lưng kéo xe cho quan Tây Nam ngồi vênh váo:
Rầm rột chi hung xe hởi xe
Ấy ai đụng đến, hãy kiêng dè
Phong trần kẻ dưới cong lưng chạy
Địa vị người trên, vểnh mặt khoe
Tay nắm 2 bên đà tính chắc
Minh lăng mấy bận cũng đành nghe
Cho hay cái giống tròn mà chạy
Đường lợi đua nhau cả bạn bè
Tinh thần yêu quê hương của bà Giáo Thọ Tạ Quang Diệm lại lồng trong cảnh núi sông tương đẹp của Tam Kỳ, bị thực dân Pháp chà đạp, bòn rút.
Bài thơ của cụ Lang Rường lại đề cao phong thái người thợ rèn bình thường, nhưng lại rất có công với xã hội:
Lò tạo xoay vần, thợ trời thay đổi
Lời sắt đinh căn dặn kẻ trăm năm
Kiếp tro bụi phanh phui người một lối
Mình bương trên bệ, kẻ gươm đao theo công sức đồi mài
Tay dựng nên lò, người cày cuốc phải nhớ ơn.
Cụ tú Quờn ở Khương Mỹ (Tam Xuân) thì lại nổi tiếng về văn chương trào phúng. Trong làng văn học ở Hà Đông thưở ấy còn không ít những cụ học cao nhưng chưa đỗ đạt, nên nhân dân có câu nhận xét: Hà Đông có 4 anh tài: Luyện Tươi, Ngộ Chín, Hoàng Hùng, Ích Trơn. Cụ Trịnh Luyện hỏng khoa đầu, sau mới đỗ cử nhân. Một số trong các cụ có nhiều tác phẩm nhỏ được nhân dân lưu truyền.
Sang giai đoạn học Pháp-Việt, Hà Đông cũng có một số người đỗ đạt, nhân dân cũng gọi là “ông Tú”, nhưng đều không có tác phẩm văn học nào. Vài ba người ra làm báo, có một số tác phẩm đăng trên các báo, nhưng đến nay vẫn chưa có ai sưu tầm và chon lọc. Trong một số đông giáo học, có một số hương sư tham gia hoạt động cách mạng, có sáng tác theo chủ đề tư tưởng mới, thuộc phạm trù vô sản. Nói chung thồi Pháp thuộc, nền văn học ở Hà Đông phát triển hạn chế, bởi chính sách ngu dân của chế độ thực dân phong kiến.
Tóm lại nói đến Tam Kỳ (nay đã chia tách thành 03 đơn vị hành chính: Tam Kỳ, Núi Thành, Phú Ninh), Hà Đông xưa là nói về phong thái của họ trong cuộc sống, từ lao động sản xuất, nếp ăn nếp ở cho đến cuộc sống có văn hóa, có học hành, có kiến thức, xử sự đối với mình, với bạn và với kẻ thù. Từ môi trường sống ngày xưa không được thuận lợi mấy và sống trong xã hội đầy dẫy bất công, áp bức bóc lột đã rèn luyện cho họ những truyền thống đạo đức tốt đẹp, cần cù, bền bỉ trong lao động sản xuất. Đoàn kết, thống nhất yêu thương, đùm bọc lẫn nhau trong khó khăn gian khổ, kiên cường bất khuất trong đấu tranh với quân thù. Đó cũng là lẽ sống của người Hà Đông xưa, thể hiện qua các phong trào yêu nước ở thời kỳ đấu tranh dân tộc trước ngày có Đảng. Khi cao khi thấp, lúc mạnh lúc yếu, nhưng liên tục không bao giờ tắt.
Thầy Phạm Văn Tưởng
Cựu giáo viên
Tin liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét