Home » TÙY BÚT
Thứ Năm, 2 tháng 10, 2014
THƯƠNG LŨY TRE LÀNG (Tạp bút Nguyễn Thị Hạnh)
Bao năm tha hương nơi xứ người nay mới có dịp trở về quê. Cảnh vật dường như đã đổi khác khiến tôi đôi chút ngỡ ngàng. Những mái nhà tranh xiêu vẹo nay đã trở thành những ngôi nhà mái ngói đỏ au. Con đường làng quanh co gập ghềnh đá sỏi giờ trở thành con đường bê tông láng bóng. Duy chỉ có lũy tre làng là không hề đổi khác - vẫn hiên ngang đứng đó, như ngóng trông từng đứa con trở về. Thương sao lũy tre làng năm tháng vẫn một lòng chở che, bao bọc những mái nhà yên bình trong khói chiều lơ lửng.
Người dân quê tôi từ bao đời đã gắn bó thủy chung với cây tre như anh em ruột thịt. Ngay từ nhỏ, những đứa trẻ quê đã thân với tre như với đồng ruộng, mây trời. Những buổi chiều chạy nhảy trên đường làng trong trò chơi đuổi bắt trốn tìm và tre trở thành người bạn. Những hôm đi học về, giữa cái nắng chói chang bọn trẻ ngồi dưới bóng tre nghỉ mát. Sau những giờ học đôi ba đứa trẻ lại cùng nhau đi bẻ măng tre về cho mẹ kho cá. Hương vị cá kho quyện với vị ngọt của măng được đun từ nồi đất trở thành món ăn dân dã mà bất cứ những đứa con sinh ra từ làng dù đi đâu cũng chẳng thể quên được.
Lũy tre làng trở thành không gian sinh hoạt đầm ấm. Những ngày mùa về đồng ruộng rộn ràng trong niềm vui mùa gặt. Bao phụ nữ nón lá nhấp nhô, chân đi thoăn thoắt vội vã nấp bóng mặt trời bên lũy tre làng, cùng nhau uống bát nước chè xanh nghỉ mát và hàn huyên bao chuyện vui buồn mùa vụ. Đôi khi chia sẻ cùng nhau những lo toan thường nhật. Những buổi tâm tình bên lũy tre làng ấy vậy mà giúp tình làng nghĩa xóm thêm gắn kết keo sơn.
Làng tôi đâu đâu cũng thấy bóng dáng của tre xanh. Dường như một tấc đất là một lũy tre. Tre mọc san sát nhau bao lấy từng mái nhà nhỏ. Những ngọn tre duyên dáng cứ đợi gió chiều thổi tới mà đong đưa, nghiêng mình theo hướng gió. Tre có mặt hầu hết trong đời sống sinh hoạt của con người. Tre dùng đan rỗ, đan rá, đan thúng, đan nia. Tre làm phên che mưa che nắng. Tre làm giàn dự trữ củi khô khi đông về…Những câu chuyện về tre hôm nào được nghe kể lại có thấp thoáng dáng dấp hồn hậu của bà ngồi đan từng chiếc rổ nan dưới nắng chiều ráng đỏ, có hình ảnh của ông cần mẫn khảy từng mắt tre dựng chuồng nuôi gà. Rồi thì bố ngồi chẻ từng sợi lạt tre bó lúa chở về nhà. Những hình ảnh ấy đâu đó chợt gợi lên trong tôi nổi nhớ về một tuổi thơ tuy nghèo khó nhưng đầy ắp tiếng cười.
Những ngày trăng tỏ, dưới ánh trăng vàng lấp lánh lũy tre làng trở thành không gian cho đôi lứa hẹn hò. Họ gửi cho nhau những lời nhớ nhung thương mến trong tiếng gió lao xao, tiếng cành tre va vào nhau sột soạt, mùi hương đồng quê thoang thoảng. Lũy tre làng bỗng trở thành nơi se chỉ kết duyên và gắn kết đôi tâm hồn lại với nhau.
Dù đã nhiều lần ngang dọc khắp nẻo đường đất nước, tiếp xúc với bao sự đổi thay của cuộc sống nhưng không gian làng quê vẫn là không gian duy nhất tôi có thể tìm thấy sự bình yên và thảnh thơi cho riêng mình. Trở về quê sau bao năm kiếm sống nơi xứ người, làng quê ngày xưa giờ có nhiều đổi khác, nhưng ở làng quê yên bình này nhận thấy nét quê dường như vẫn chưa hề mất đi bởi những lũy tre xanh vẫn còn đó. Cứ mỗi chiều nhìn lên ngọn tre làng trong làn khói lam chiều mờ ảo bỗng nhớ da diết hồi ức tuổi thơ năm nào. Mong rằng những lũy tre làng vẫn cứ mãi xanh tươi - để một ngày trở về lòng người khỏi chạnh lòng thấy trống vắng.
Linh Lan
Nguyễn Thị Hạnh
Bài đã đăng trên báo Đăk Lăk
Tin liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét