Home » TRANG VĂN
Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2015
KÝ ỨC ĐỒNG DAO (Tản văn của Nguyễn Thị Hạnh)
Một chiều chợt thấy lòng thẩn thờ giữa bao nỗi niềm vui buồn đan xen tôi bỗng thèm muốn cảm giác đi được giữa những con đường làng mát rượi, được thả hồn rong chơi trên những đồng ruộng phẳng lì và ngắm nhìn những đứa trẻ quê nụ cười hồn nhiên, sáng chói bên những trò chơi ngỗ nghịch. Đôi lúc chỉ muốn trở về, ngồi xuề xòa trên đồng ruộng, khoác trên mình chiếc áo bà ba đã bạc màu của mẹ, đầu đội chiếc nón cời của bà thong dong trên cánh đồng chăn trâu. Bao giờ trong những giấc mơ ấy tôi cũng nhớ da diết khúc hát đồng dao quen thuộc mà những đứa bạn một thời rong chơi cùng nhau vẫn hay ngân nga mỗi chiều.
Thằng Cuội ngồi gốc cây đa/ Thả trâu ăn lúa…gọi cha ời ời/ Cha còn cắt cỏ trên đồi/ Mẹ thì cưỡi ngựa đi mời quan viên.
Ấu thơ của tôi lớn lên bên khúc hát đồng dao. Đó là những khúc hát đã nuôi lớn tâm hồn tôi cũng như bao đứa trẻ vốn sinh ra và gắn bó với đồng ruộng. Tôi nhớ da diết những buổi chiều chăn trâu cả bọn ngồi trước đồng cùng nhau hát vang những khúc hát đồng dao quen thuộc. Thời ấy, đồng dao với những đứa trẻ chúng tôi như một người bạn. Chúng làm cho những buổi chiều miệt mài chăn trâu trên đồng ruộng diễn ra trong niềm vui và sự hứng khởi chứ không còn đơn thuần là trách nhiệm công việc ba mẹ giao cho.
Từ khúc hát đồng dao tôi học được bao điều mới mẻ về cuộc sống.Đó là những bài học vỡ lòng về đạo đức và cách sống ở đời mà những đứa trẻ quê chúng tôi học được từ khúc hát được truyền miệng qua bao đời. Ngày còn nhỏ, mẹ hay hát ru tôi bằng những khúc đồng dao. Thưở ấy, những câu hát dung dị, mộc mạc của mẹ cứ cuốn lấy tôi bởi nhịp điệu tươi vui của nó nhưng phải đến khi lớn khôn tôi mới nhận ra ẩn sâu trong những câu hát dung dị và gần gũi đó là bao bài học cuộc sống giá trị mà tôi đã được mẹ dạy cho từ khi còn bé:
Bà còng đi chợ trời mưa/Cái tôm cái tép đi đưa bà còng/Đưa bà qua quãng đường đông/Đưa bà về tận ngõ trong nhà bà/Tiền bà trong túi rơi ra/Tép tôm nhặt được trả bà mua rau.
Từ khúc hát đồng dao vốn sinh ra từ ruộng đồng, tôi lớn lên biết yêu thương và sẻ chia những nổi nhọc nhằn cùng ba mẹ cũng như bao người dân quê đang ngày đêm miệt mài trên đồng ruộng để rồi thấy yêu tâm hồn của những con người nơi đây. Dù cuộc sống nhọc nhằn họ vẫn lạc quan, yêu đời, tin tưởng vào ngày mai tươi sáng. Những khúc hát của mẹ năm tháng vẫn vang mãi trong tôi những giai điệu tươi vui truyền cho chúng tôi niềm tin yêu cuộc sống. Không chỉ có những đứa trẻ chăn trâu ngoài đồng, những đứa trẻ chỉ mới lẫm chẫm biết đi đã biết hát đồng dao vanh vách như thể nó đã thấm vào máu huyết của chúng từ thuở nào. Khúc đồng dao ấy ngày ngày vẫn ngân vang trên đồng ruộng, đường làng mặc những ngày nóng bức hay mưa rào khi bọn trẻ chúng tôi chăn trâu, cắt cỏ, chơi lò cò hay đuổi bắt.
Theo thời gian tôi lớn lên đi học rồi xa quê. Cuộc sống nơi thị thành phồn hoa cứ cuốn tôi đi xa những khúc đồng dao thân thuộc. Lâu rồi không nghe ai hát đồng dao. Trẻ con ở phố ngày nay lúc nào cũng bận rộn với việc học và những cuộc đua theo điểm số. Nếu có vui chơi chúng cũng chỉ quen với trung tâm thương mại, những khu vui chơi giải trí và các trò chơi hiện đại trên Iphone, Ipad. Đồng dao với chúng là một thứ xa lạ. Giờ đây những đứa trẻ quê cũng bắt nhịp được với lối sống hiện đại ấy. Không còn nhiều đứa trẻ biết đến đồng dao và biết hát đồng dao. Trở về quê một chiều đi ngang qua cánh đồng vừa thu hoạch thấy tán tác, buồn thiu mà chạnh lòng khi không còn nghe thấy những khúc đồng dao cất lên từ chất giọng trong trẻo của các em .
Trẻ em ngày nay dù được chăm sóc và quan tâm hơn trước nhưng tôi vẫn cứ thấy chúng thiệt thòi. Có những khoảng trời tuổi thơ tuyệt đẹp bên những khúc hát đồng dao mà chỉ những đứa trẻ một thời lang thang đồng ruộng như chúng tôi mới hiểu được. Đồng dao ngày ấy là thứ đã gắn kết tâm hồn của những đứa trẻ chúng tôi để về sau dù xa cách muôn phương trời chúng tôi vẫn luôn nhớ về nhau bằng những kí ức tuổi thơ vui nhộn. Những khúc đồng dao ngày ấy nhắc tôi nhớ rằng một phần đời của mình đã từng là trẻ con- trong sáng, mộc mạc như những khúc đồng dao vốn sinh ra từ làng quê, đồng ruộng.
Bài viết dưới bút danh Linh Lan.
Đã đăng trên Văn hóa phật giáo và Đắk Lắk cuối tuần.
Tin liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét