Home » TÙY BÚT
Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2016
PHIÊN CHỢ CHIỀU CUỐI NĂM VÀ LÒNG TỐT CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ NGHÈO (Tùy bút của Hàn Giang)
Chiều 29 tết, tôi phóng xe máy chạy một vòng quanh thành phố để săn tìm một vài bức ảnh cảnh phiên chợ chiều cuối năm. Điều đầu tiên, những hình ảnh đập vào mắt tôi là những núi rác khổng lồ chất đầy các khu chợ, những cái chợ cóc không có người quản lí nên người mua, kẻ bán cứ vô tư mà vứt xuống đường, rác cứ thế cứ thế vô tư “bay theo chiều gió”. Những ngày này việc mua bán được thực hiện ở mọi nơi, mọi lúc những bãi đất trống ven đường đều kín hết dấu chân. Phía trước các cổng trường thường là nơi hội tụ của các loài hoa từ rừng tới phố, những chậu mai vàng, hướng dương, cúc, vạn thọ thi nhau khoe sắc khiến cho người lữ hành thêm phần vội vã cho kịp về chuyến xe chiều cuối cùng.
Tôi thả bộ vào một khu chợ nhỏ, hàng hóa ở đây chủ yếu phục vụ cho người lao động làm việc tại các khu công nghiệp nên chiều cuối năm việc mua bán cũng chẳng còn tấp nập nữa. Đang lang thang dạo quanh chợ thì một hình ảnh khá thú vị lọt vào mắt. Một người phụ nữ tầm ngoài 40 tuổi trong bộ trang phục rất đơn sơ nếu như không muốn nói là cũ kĩ. Tay chị dắt theo một cô bé áng chừng hơn 10 tuổi. Điều bất ngờ là nhìn cả hai đều rất lam lũ nhưng trên tay cô bé lại cầm một chiếc túi xách nữ hàng hiệu Prada màu nâu nhạt. Chiếc túi xách ấy chỉ có thể dân nhà giàu mới dám dùng mà thôi, và dĩ nhiên nó đang nằm trong tay cô bé kia là điều gì đó hơi tương phản với thực tế.
Lúc này cả hai dừng trước sạp một hàng thịt, chị nhỏ nhẹ hỏi mua hai cân thịt, một cân thịt vai và một cân thịt ba rọi. Sau khi nhận thịt chị móc từ trong túi ra rất nhiều tiền lẻ, vài tờ có mệnh giá một trăm ngàn, trả tiền thịt xong chị định quay đi thì tiếng chuông điện thoại trong túi xách đổ dồn, cô bé nói với chị; Mẹ ơi có chuông đổ rồi kìa. Chị nữa muốn mở ra nữa chừng như ái ngại, một thoáng trôi qua cuối cùng chị cũng mở túi xách và lấy ra chiếc điện thoại Iphone 6 màu bạc khá đẹp, lóng ngóng với chiếc điện thoại như chưa biết cách sử dụng nên chị định bỏ vào lại túi xách. Lúc này, bệnh nghề nghiệp trong tôi trỗi dậy, tiến tới gần chị tôi hỏi, điện thoại không phải của chị hả? Chị nhanh nhẹn gật đầu và nói; không phải của em, cái túi xách con bé nó mới nhặt được ở nghĩa trang đó anh. Không biết làm sao để trả lại cho họ nên định đi chợ mua đồ xong ra công an phường nhờ họ trả lại dùm chứ em không biết dùng cái điện thoại này, với lại trong đó có nhiều tiền với giấy tờ nữa. Lúc này chuông điện thoại lại đổ dồn nên tôi nói, nếu chị không phiền để tôi nghe giúp nhé? Chị đưa ngay cho tôi, vừa mới a lô thì đầu bên kia tiếng một người phụ nữ như muốn khóc; dạ anh cho em xin lại cái túi xách với tiếng người phụ nữ vừa nói vừa khóc. Tôi trả lời; tôi không phải người nhặt được mà là người khác nhặt, vậy để tôi chuyển máy cho chị gặp người ta để xin lại nhé! Nói xong, tôi chuyển máy không quên nhắc chị cứ để vậy áp vào tai mà nghe và nói. Chẳng biết hai người trao đổi gì nhưng nét mặt chị trông rạng rỡ lắm, chị nhanh nhảu nói rõ địa chỉ chỗ mình đứng và không quên tả hình dáng mẹ con chị.
Chừng 15 phút sau một chiếc ô tô Venza màu trắng đổ phía đầu khu chợ, trên xe một người phụ nữ và một người đàn ông đi bước xuống. Người đàn ông lấy điện thoại ra gọi vào chiếc Iphone. Chị giơ chiếc điện thoại lên và cánh tay còn lại vẫy vẫy, người đàn ông và người phụ nữ đi như bay về phía hai mẹ con chị.
Lặng lẽ quan sát và bí mật quay lại diễn biến câu chuyện để đảm bảo vật trả về đúng chủ, và cũng không quên chụp lại biển số chiếc ô tô. Người phụ nữ định đưa tay lấy chiếc túi xách thì tôi giơ tay ngăn lại và nói; ít ra chị cũng nói cho mọi người biết là mình đánh rơi ở đâu không? Trong túi có những gì, và tên cũng như địa chỉ của chị đã, những điều ấy là cơ sở để chắc chắn chiếc túi là của chị. Một thoáng khựng lại chị ta mới nói nơi làm việc, tên tuổi và địa chỉ của mình. Khi kiểm tra trong chiếc túi xách xong chị ta nở nụ cười rất tươi, rối rít cảm ơn và lấy ra một tờ mệnh giá 500 ngàn ấn vào tay cô bé. Lúc này bà bán thịt tay cầm con dao bắt đầu lớn tiếng; cái gì, người ta nhặt được cả một mớ tiền với điện thoại đem cho lại mà cho con bé 500 ngàn hả? Bộ tụi mày nghĩ 500 ngàn lớn hả? Trả lại đi con lấy của bọn này làm gì cho bẩn tay, đồ keo kiệt, đếm đủ chưa, đủ rồi cút xéo cho khuất mắt.
Tôi, hai mẹ con chị, những người xung quanh và cả hai người đàn ông và phụ nữ kia đều bất ngờ, người đàn ông quay qua nhìn tôi như tìm kiếm một sự ủng hộ, nhưng thú thật tôi cũng thấy bối rối. Những lời khó nghe của bà bán thịt vô tình tạo nên hiệu ứng ngay lập tức, nhiều tiếng xì xào “biết vậy lấy mẹ đi cho nó biết” hoặc “gặp tao, tao không lấy tao cũng vứt mẹ xuống sông, thấy cái mặt khó ưa”. . . . sau những lời xầm xì đủ nghe ấy anh ta lấy trong ví ra 1 tờ 500 ngàn nữa và bước tới nhỏ nhẹ nói với chị. Cho chúng tôi cảm ơn và đây là quà lì xì cho bé, chị ngập ngừng không muốn lấy nhưng tôi đã kịp lên tiếng; chị nhận đi, đó là phần thưởng cho mẹ con chị đó, chị xứng đáng được nhận nhiều hơn thế nữa đấy. Cuối cùng chị cũng nhận và không quên cảm ơn hai người kia. Người đàn ông và người phụ nữ hối hả bước đi như trốn chạy ánh mắt dè bĩu của những người xung quanh, bà bán thịt còn cố thêm vài câu; đấy người ta cho lại mà có thèm hỏi tên gì, ở đâu hay nhặt được thế nào đâu. Tụi này là vậy đó, lúc mất thì cuống lên ngọt nhạt đủ thứ, khi cho lại rồi là biến nhanh như điện vậy à!
Sau khi hai người kia đi rồi chị mới nói; chồng mất sớm nên một mình chị nuôi cả nhà 4 người, gồm hai đứa con và mẹ chồng. Chị đi làm công nhân tranh thủ làm thêm ngày lễ và chủ nhật, buổi tối đi bán phụ ở quán ăn đêm đến khuya mới về. Những ngày gần tết cả ba mẹ con tranh thủ ra phụ với người anh họ đi sơn sửa quét dọn ngoài nghĩa trang cho người ta để kiếm thêm tiền. Trưa nay vô tình mẹ con chị nhặt được chiếc túi xách kia ở bên một ngôi mộ ở đó đấy. Chị cũng định là mang giao cho công an chứ không lấy làm gì vì đâu phải của mình.
Nghe xong câu chuyện của chị bà bán thịt cười khà khà trả lại tiền hai cân thịt và còn cho thêm cho một cân xương heo ngon lành. Vợ chồng người bán áo quần dạo gần đó cũng sẵn lòng tặng cô bé hai bộ đồ mới. Một vị khách mua thịt cũng cố ép chị nhận một con gà mà anh ta mới mua, mình cũng lấy ra tờ 100 ngàn lì xì cho cô bé. Những giọt nước mắt chảy dài trên gò má khắc khổ của chị, bà bán thịt giục chị về kẻo muộn, mọi người cũng dọn hàng kết thúc phiên chợ chiều 29. Tôi cũng chạy xe về, đường chiều đã vắng, gió chiều hơi lạnh bỗng nghe mắt mình có gì đó cay cay. . . .!
(Phương Nam chiều 29 tháng Chạp, năm Ất Mùi)
Hàn Giang
Tin liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét