Home » Tam Lãnh
Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2013
DI TÍCH DANH THẮNG THÁC TRẮNG - HẦM HÔ
Những cái tên Thác Trắng, Hầm Hô, Bồng Miêu, khu mỏ vàng của người Pháp, cùng vết tích người Chăm xưa khai thác vàng… luôn gợi cho du khách sự tò mò thích thú.
Vị trí
Nằm cách thành phố Tam Kỳ khoảng 35km về hướng Tây Nam, Thác Trắng - Hầm Hô (thuộc địa bàn thôn Bồng Miêu, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) là nơi có khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, nước non hữu tình.
Năm 2007, khu Thác Trắng - Hầm Hô được UBND tỉnh công nhận di tích danh thắng cấp tỉnh và được khoanh vùng bảo vệ. Huyện Phú Ninh cũng tiến hành xây dựng đề án phát triển du lịch, mở ra cơ hội khai phóng tiềm năng vùng đất này.
Danh thắng
Thác Trắng - Hầm Hô nằm trong thung lũng Cò Bay. Từ thung lũng Cò Bay nhìn lên là dãy núi Kẽm sừng sững. Men theo triền núi đi trên những con đường mòn nho nhỏ, dốc đá cheo leo, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực thẳm, ai cũng có "cảm giác mạnh", rất thú vị. Hai bên lối mòn, cỏ lau, cây dại, dây rừng... mọc um tùm; tiếng chim rừng hót râm ran, tiếng chí chóe đùa giỡn của bầy khỉ, tiếng nai mang gọi bầy văng vẳng bên tai.
Vượt qua gần 5km đường mòn bao quanh triền núi là đến đồi AD. Đứng trên đồi này có thể nhìn bao quát toàn cảnh thung lũng Cò Bay. Một bức tranh sơn thủy hết sức hữu tình hiện ra trước mắt. Thung lũng Cò Bay xanh ngút ngàn cây cỏ, dòng sông Bồng Miêu lượn lờ trôi về hướng biển. Xa xa dòng thác Trắng tuôn chảy trông như dải lụa trắng mềm mại vắt lên màu xanh bạt ngàn của núi rừng. Thác Trắng cao khoảng 50m, rộng chừng 20m, dòng nước mát lạnh từ đỉnh Giỏ Ô tuôn trào bất tận.
Từ thác Trắng, theo đường mòn cắt ngang qua rừng, ngược về hướng Đông Nam khoảng 700m là đến suối Hầm Hô. Hầm Hô là một đoạn suối hết sức thơ mộng và hùng vĩ. Dòng nước từ thác Trắng dịu dàng, lặng lẽ âm thầm men theo thung lũng Cò Bay chảy xuống Hầm Hô, khi chảy đến Đập Tây (do người Pháp xây dựng để phục vụ khai thác vàng nên được gọi như thế) đột ngột hạ thấp độ cao, tạo nên một dòng thác trắng xóa. Dòng nước mềm mại như suối tóc trắng rầm rì chảy suốt ngày đêm, len lỏi vào từng tảng đá, từng khe đá mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho Hầm Hô, phong cảnh hết sức hữu tình. Trải qua hàng nghìn năm, những tảng đá nơi đây bị dòng nước xâm thực, bào mòn tạo nên những hình thù kỳ ảo với những bãi đá lồi lõm, nhấp nhô, khúc khuỷu mà hiếm nơi nào có được.
Tận hưởng bầu không khí trong lành, ngửa tay vốc nước mát lạnh lên mặt, ai cũng khoan khoái một cách lạ thường.
Di tích
Thác đổ qua Dốc Dẻo xuống con suối Hầm Hô. Đồng hành với thác có bãi đá, dân gian gọi là bãi đá Chăm. Sự kỳ bí nằm ở đây. Trên bề mặt của các tảng đá có những hốc lõm vào hình tròn, bầu dục kéo dài thành một vệt từ Hầm Hô lên đỉnh Giỏ Ô. Qua những nghiên cứu cho biết đó là dụng cụ đãi vàng bằng đá của người Chăm vào thế kỷ 10 – 15, chứ không phải dấu chân voi khổng lồ như truyền thuyết.
Người Chăm đã đục những tảng đá tạo nên hệ thống cối, máng, bồn rồi lợi dụng nước của Thác Trắng, Hầm Hô đãi vàng. Người ta lấy những miếng đá có vàng (vàng gốc) tại Bồng Miêu đưa vào cối (sâu 0,5m, đường kính 0,5m) trên đỉnh thác để giã, nghiền ra quặng, sau đó đưa xuống máng ở lưng chừng thác để nhờ nước đãi bớt phần đá, cuối cùng đưa xuống bồn ở Hầm Hô, nơi đây nước chảy hiền hoà hơn, để lọc ra vàng. Công nghệ tuyển vàng bằng nước này của người Chăm về sau được người Việt kế thừa.
Hiện tại ở Thác Trắng – Hầm Hô có chừng 120 dụng cụ đãi vàng của người Chăm như vậy. Ngoài hệ thống dụng cụ đãi vàng, người Chăm còn lưu lại ở Bồng Miêu hệ thống hầm lò do chính họ đào để lấy vàng tại núi Kẽm. Khác với hầm vàng của người Pháp có hình chữ nhật, cao 2,5m và rộng 2m, hầm vàng của người Chăm có hình tròn, nhỏ (đường kính 1,2m) nhưng sâu hun hút, không biết đâu là điểm cuối cùng. Người Pháp có sử dụng một số hầm vàng của người Chăm (mở rộng thêm ra) bây giờ vẫn còn tại Bồng Miêu. Trong những hầm vàng này cứ 1km có một hội trường rộng rãi để họp, có hội trường để phu làm vàng nghỉ ngơi, có hội trường để đặt máy thổi khí, có hội trường để đặt máy phát điện...
Vào “tổ mối” khổng lồ trong lòng núi này mới thấy sự kỳ vĩ của công sức con người trong việc khoét núi lấy vàng cần mẫn suốt 10 thế kỷ qua của cả người Chăm lẫn người Việt. Hệ thống cối, máng, bồn đá bên dòng Thác Trắng – Hầm Hô chỉ là một “dấu chân” của quá khứ còn sót lại để gợi nhắc về những biến thiên, dâu bể của một chặng đường lịch sử…
Tuấn Vũ sưu tầm
Tin liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét