Home » CẢM NHẬN ÂM NHẠC
Thứ Ba, 2 tháng 4, 2013
NGHE BÀI “LÒNG MẸ” CỦA NGỌC SƠN
Không nỗi buồn bào bằng nỗi buồn chia li. Không xót xa nào bằng xót xa chờ đợi. Có một cụ già đã ngoài bảy mươi chiều nào cũng ngỗi trước cửa. Mái tóc bời bời đã bạc màu sương gió. Gương mặt hằn lên những nếp nhăn lao khổ năm tháng cuộc đời. Và đôi mắt lúc nào cũng đăm đăm nhìn về một phương trời tít tắp với bao nhiêu khắc khoải, mỏi mòn, như muốn nén hết không gian và giãn hết thời gian để đợi chờ một điều gì đó mịt mờ, vô vọng…
Tôi lang lang trên con phố vắng vẻ của Quy Nhơn một chiều cuối hạ. Trời sắp vào thu nên trong xanh, dịu lại hơn và đâu đó như man mác chút buồn xa xăm. Tôi bắt gặp hình ảnh cụ già ngồi trước cửa ấy. Lòng se lại. Tôi bước chậm hơn và chợt nghĩ về mẹ tôi. Tôi chợt nhớ lại những ca từ, giai điệu một bài hát mà mẹ tôi, chị tôi rất thích và thường hát cho tôi nghe những ngày thơ ấu để đến bây giờ tôi không sao quên được : “Lòng mẹ” của Ngọc Sơn.
Tôi không biết cụ già ấy đang nghĩ gì hay đang đợi chờ điều gì. Nhưng sao ánh mắt cụ buồn quá. Tôi chợt nghe đâu đó vẳng bên tai câu hát : “Lặng nhìn chiều thu lòng nhớ thương ai. Đếm bao nhiêu lá mà con chưa về…”
Có ai thương con bằng mẹ ? Có ai đợi con mòn mỏi suốt cuộc đời như mẹ ? Hình ảnh người mẹ trong câu hát đầu tiên chỉ hiện lên gián tiếp qua hành động “đợi con” nhưng cũng đủ nói lên tất cả. Có một người mẹ già ngồi đó lặng im. Không nói năng gì, mẹ ngồi đó đếm lá rơi. Bao nhiêu lá thu đã rơi xuống, bao mùa thu đã đi qua, bao nhiêu năm tháng đã âm thầm kéo nhau đi trên tóc mẹ “mà con chưa về”. Có gì xót xa hơn nỗi cô đơn của người mẹ trong những ngày tháng tuổi già hiu quạnh, lẻ loi ? Mẹ già vẫn ngồi đó. Lưng còng tóc bạc. Bóng đổ thời gian trên đôi vai khô gầy. Con đi đã bao năm rồi. Bao năm rồi có lẽ mẹ cũng không còn nhớ nữa. Mẹ giờ chỉ còn biết mẹ đợi con rất lâu. Lòng mẹ héo dần theo tháng năm. Mẹ chỉ mong con của mẹ sớm về bên mẹ. Để lòng mẹ ấm lại những hạnh phúc bé nhỏ, đơn sơ. Con đi xa mẹ đứt từng khúc ruột đợi chờ. Con đi xa là tất cả nỗi niềm sướng vui của mẹ cũng không còn. Mẹ khóc giờ đây chăng ? Có lẽ người đã khô dòng lệ. Tôi nghe nơi mắt mình rưng rưng. Mẹ tôi giờ này chắc cũng đang ngồi trước cửa…
Ngày xưa, ngày xưa ấy, ngày mẹ vẫn còn biết bao niềm sung sướng, tự hào; ngày mẹ từng được có những tháng năm bên con, nhìn thấy đôi chân bé xíu của con lon ton chạy đến vui đùa cùng chúng bạn rồi lại chạy ngay về, ùa vào lòng mẹ; ngày mẹ còn được nghe tiếng con bi bô tập nói, tiếng con cười mỗi lúc con vui, tiếng con nức nỡ khóc mỗi khi con đói lòng, đau ốm, mẹ là người đàn bà hạnh phúc nhất thế gian. Đó là những “ngày xưa con bé thơ ngây”, là những ngày mẹ nghe ấm áp nhất mỗi khi “mẹ hay âu yếm bên con, mẹ bảo mẹ thương con nhiều”. Tôi lại nhớ về cái thời be bé của tôi khi tôi chưa biết gì, khi trong hiểu biết của tôi, mẹ là tất cả chỗ dựa nương, là nơi chở che an toàn nhất. Ngày ấy tôi cũng nói, cũng cười những tiếng thơ dại. Chao ! Làm sao tôi biết ngày ấy mẹ tôi hạnh phúc biết bao, nhất là khi tôi là đứa con trai đầu lòng mang nặng khó sinh… Giờ đây tôi lớn rồi, tôi đi khắp nơi không mấy lúc được gần bên mẹ. Và tôi biết mẹ tôi chắc giờ buồn lắm, chắc người cũng nhớ tôi nhiều…
Mẹ già vẫn ngồi đó. “Mẹ già chờ con ngồi đếm lá rơi”. “Đếm lá rơi” là công việc dường như đã không còn chủ đích. “Đếm bao nhiêu lá”, công việc không chủ đích ấy lặp đi lặp lại biết bao lần và có lẽ với mẹ giờ nó đã trở thành vô thức. Mẹ còn biết làm gì khi tuổi già nua đã giành giật mất của mẹ đôi chân nhanh nhẹn một thời để mẹ đi tìm con. Không đi tìm con được mẹ chỉ còn biết ngồi đếm từng ngày mong con về. Mẹ đếm lá hay hàng cây trước ngõ thương cho tấm lòng mẹ già mà rơi lệ, trút lá ? Tội nghiệp cho nỗi lòng... Có một nỗi buồn đến vô vọng dâng lên chiếm ngập cả dòng cảm xúc. Mẹ đã đợi. Bao năm rồi. Từ “thu xưa” đến thu nay là mấy thu ? Bao nhiêu thu là bấy nhiêu mùa mẹ ngồi đợi, là bấy nhiêu mùa con đi xa, con không về với mẹ. Tôi lại tưởng đến tôi. Một năm tôi chỉ về thăm nhà hai lần. Tôi vẫn nhớ như in mỗi lúc tôi bước lên xe vào lại thành phố mẹ tôi buồn lắm. Rồi tôi lại nghĩ về người mẹ trong bài hát. Người mẹ ấy chắc còn khổ hơn mẹ tôi nghìn lần vì ít ra mỗi năm tôi còn về vài lần chứ con gái của người từ ngày đi xa chưa một lần trở lại…
“Con bé” của ra đi đã lâu lắm rồi. Tác giả không nói con mẹ đi về đâu, đang ở phương nào. Chỉ biết rằng mẹ vẫn ngồi đó đếm lá rơi mỗi “chiều thu” với một hi vọng, một niềm tin sẽ có ngày con trở về. Mẹ không nản lòng bởi đơn giản “thương con mẹ mong con về”. Một niềm vui nhỏ nhoi mà lớn lao sưởi ấm lại “lòng mẹ” bao năm mòn mỏi, héo hon là được nghe con nói cười, được thấy con hạnh phúc. Lòng mẹ có ước muốn cao xa gì đâu. Chỉ một ước mơ giản đơn thôi. Bởi ai làm mẹ mà không muốn nhìn thấy con lớn khôn, được ở bên con. Nhưng rồi cả một ước muốn nhỏ nhoi ấy mẹ cũng không được toại nguyện. Mẹ lại ngồi đấy. Lại lưng còng tóc bạc gánh lấy thời gian. Một đời lao khổ khó nhọc hằn thêm trên gương mặt mẹ những nếp nhăn sầu muộn. “Lòng mẹ” vẫn “bao la như biển Thái Bình”, ngày đêm dạt dào vỗ sóng, những con sóng bạc đầu yêu thương, chờ mong, khắc khoải, mỏi mòn…
Hổ dữ không ăn thịt con. Đến cả thảo mộc tự nhiên cũng có tình mẫu tử. Trên đời này có người mẹ nào mà không thương con. Chín tháng mang nặng đẻ đau, “sinh con ra trong bao nhiêu khó nhọc”, rồi những năm tháng “lặn lội gian lao” chỉ “mong con đến ngày lớn khôn”, “mong sao cho con thơ khôn lớn nên người” là mẹ đã mĩm cười thỏa nguyện. Rồi con lớn lên. Như chú chim non đã đủ lông đủ cánh, con lại tung bay ra trời cao xa rộng. Cuộc đời với bao khát khao, mơ ước đã mở rộng bước đường để con bay tới và lắm lúc cũng giành lấy mất con của mẹ. Lắm lúc con bay đi mà quên mất cái tổ ngày xưa mẹ đã ấp ủ con khi con còn non yếu, che chở hết mọi giông bão cho con khi con còn thơ ngây. Nhưng dù con có thế nào đi nữa thì “con dù lớn vẫn là con của mẹ, đi hết đời lòng mẹ vẫn theo con”. Mẹ vẫn luôn dõi đôi mắt già nua còm cỏi theo con, động viên, ủi an con trong mọi sóng gió biển đời. Dù con có nhiều lúc quên mất mẹ trong thời trai trẻ của con, dù con có làm điều gì sai trái đi nữa mẹ vẫn sẵn lòng thứ tha tất cả. Bởi đơn giản con là tất cả cuộc đời mẹ. Con dù ở phương trời nào thì nơi quê nhà mẹ vẫn ngồi đó đợi con. “Mẹ già chờ con ngồi đếm lá rơi”. Hình ảnh người mẹ già ngồi đếm lá đợi con về được tác gải bài hát xây dựng rất thành công, trở thành một hình tượng âm nhạc về người mẹ đầy xót xa, cảm động và ám ảnh…
Hạ tàn. Thu đến. Đông qua. Xuân về. Thời gian cứ vô tình đi qua với lòng lạnh lùng, hình như hận thù tất cả. Chỉ biết rằng “mỗi mà xuân sang mẹ tôi già thêm một tuổi. Mỗi mùa xuân sang ngày tôi xa mẹ càng gần”. Đó là một quy luật nghiệt ngã mà ta ít khi nghĩ đến. Chỉ sợ rằng, một ngày mùa xuân nào đó, khi bao nhiêu lợi danh đã đạt thành, ta chợt giật mình nhớ đến người mẹ mà ta lãng quên nơi quê nghèo xóm cũ, ta vội vàng chạy về với mẹ và ta bỗng òa lên nức nở trong muộn mằn : “Xuân này con về mẹ ở đâu ? Quê nghèo xuân về mưa hắt hiu…”
Đừng để dòng xoáy cuộc đời làm ta quên mất mẹ vì ta không có mẹ được bao lâu trong cuộc đời. Rồi chiều nào đó, một chiều cuộc đời mẹ, “mẹ già” rồi cũng “như chuối chín cây, gió lay mẹ rụng” mà thôi. Hãy biết quý trọng những giây phút còn được bên mẹ. Dù cho “mẹ già ngồi túp lều tranh” thì cũng dặn lòng “sớm thăm tối viễng mới đành dạ con”. Đừng để mẹ ngồi đó mỏi mòn “đợi chờ tin con ngày tháng, lòng đầy lo âu sầu nhớ”. Ai biết thương mẹ thì đừng để buồn lên mắt mẹ, nghe chưa ?
Tôi nhớ mẹ tôi biết mấy. Xin hát khúc ca này gửi về mẹ tôi với tất cả lòng tri ân, tri quá : “Rồi một chiều nào đó con về, nhìn mẹ yêu, nhìn thật lâu, rồi nói với mẹ rằng : Mẹ ơi ! Mẹ ơi ! Mẹ có biết hay không ? Biết là. Biết là con yêu mẹ không ?...”
Nhân ngày lễ Vu Lan sắp tới đây, tôi muốn giành mấy dòng này như một “đóa hoa màu hồng” để cài lên áo “cho anh”, “cho em”, “cho những ai đang còn mẹ”, và cho cả những ai không còn mẹ nữa...
Quy Nhơn, mùa VuLan, 2011
P.T.V
Tin liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét