Home » Tam Lãnh
Thứ Tư, 5 tháng 2, 2014
MÙA XUÂN VỀ TAM LÃNH NGHE HÁT BÀI CHÒI
Ảnh minh họa |
(LV) - Nhiều năm nay, cứ mỗi độ Tết đến xuân về, làng tôi lại tưng bừng tổ chức Hội hát bài chòi. Hội được tổ chức từ mồng một đến hết mùng bốn Tết tại Nhà văn hóa thôn Đàn Thượng, xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam.
Cách trung tâm thành phố Tam Kỳ chừng 27km, Tam Lãnh là xã miền núi duy nhất của huyện Phú Ninh. Nơi đây, không chỉ nổi tiếng với mỏ vàng Bồng Miêu có trữ lượng lớn nhất nhì trong cả nước, với vẻ đẹp non nước hữu tình của nhiều thắng cảnh được thiên nhiên ưu ái ban tặng như một phần hồ Phú Ninh, cụm cảnh đẹp Thác Trắng, Đập Tây, Hầm Hô phía thượng nguồn sông Bồng Miêu mà còn được các vùng lân cận biết đến với nhiều hoạt động văn hóa tinh thần đậm đà bản sắc truyền thống, trong đó có hát bài chòi.
Có hát bài chòi thì có hội
Hát bài chòi là loại hình dân ca và trò chơi dân gian rất đặc trưng của miền Trung, nhất là vùng Trung Trung bộ. Loại hình văn hóa dân gian này phát triển ở các vùng nông thôn, ven biển. Miền núi thường ít phát triển hơn. Tuy vậy, bằng lòng yêu quý các giá trị văn hóa truyền thống, nhiều nghệ nhân hát bài chòi ở đây vẫn tâm huyết với bài chòi. Họ gây dựng lại phong trào hát bài chòi với tâm niệm bảo tồn những giá trị tinh thần tốt đẹp này để con cháu mai sau không quên đi mất những giá trị văn hóa từng là món ăn tinh thần không thể thiếu của ông bà ngày trước. Bởi vậy, gần mười năm nay, các hội bài chòi mỗi dịp Tết Nguyên đán về ngày càng tổ chức quy mô, chất lượng hơn, được nhiều người tham gia hơn, không chỉ các bậc cao niên trong làng, mà cả những người mới lớn cũng rất yêu thích.
Để có một hội bài chòi đầu xuân sinh động, hấp dẫn, những người tổ chức hội ở làng phải chuẩn bị rất công phu. Bởi phần lớn họ đều là những cụ già lớn tuổi. Hội bài chòi chỉ tổ chức mỗi năm một lần, lại do những người yêu mến bài chòi đứng ra tự làm lấy nên việc chuẩn bị phải tiến hành từ rất sớm. Nếu mùa xuân này về với Tam Lãnh, không khí chuẩn bị cho ngày Tết ở xã miền núi này sẽ bắt gặp quang cảnh đông vui, rộn ràng của những ngày chuẩn bị cho hội. Thanh niên trong làng giúp đốn tre, dựng chòi, mắc điện. Các cụ, các ông thì chuẩn bị lại các bài hát, quân bài.
Vui nhất là những đêm trước Tết, nhiều người trong thôn, có cả các em nhỏ và nhiều bạn trẻ trong làng tập trung về nhà văn hóa thôn để nghe các cụ hát, và tập hát bài chòi. Đây là điều thật đáng quý, bởi hiện nay nhiều giá trị văn hóa truyền thống đang bị mai một dần, nhiều bạn trẻ không còn mặn mà với các giá trị văn hóa tinh thần của ông bà để lại. Nhưng tin rằng trong một ngày gần đây, hội hát bài chòi ở quê tôi sẽ được những bạn trẻ phát triển thêm lớn mạnh.
Sống lại không khí cổ truyền
Trong hội xuân, hai trò chơi không thể thiếu là hát bài chòi và hát lô tô. Hát lô tô là chương trình của các bạn thanh niên trong xã. Còn hát bài chòi do các ông, các bác trong thôn tổ chức. Trong những ngày này, sân nhà văn hóa thôn nơi tổ chức hội bao giờ cũng đông vui, nhiều người đến tham dự. Các cụ, các ông là những người không vắng mặt buổi nào. Nhiều cháu nhỏ được ông bà dẫn ra nghe hát và biết đánh bài chòi từ bé, thậm chí có cả những em biết hát bài chòi, nhiều lần được các cụ cho hát thay. Các bạn thanh niên, tuy những ngày Tết ít có thời gian ở nhà nhưng vẫn dành cho riêng mình một đôi lần về với nhà văn hóa thôn, cùng tham gia chơi đánh và nghe hát bài chòi. Đàn Thượng được coi là một trong những thôn mạnh nhất xã về các hoạt động văn hóa, thể thao.
Mùa xuân về với quê vàng Tam Lãnh nghe hát bài chòi, ta sẽ được sống lại không khí cổ truyền với những giá trị tinh thần tốt đẹp. “Bài chòi, bài tới là ba mười lá/ Dang tay sớn sá là cái gã Ông Ầm”, các điệu hô bài chòi được các nghệ sĩ không chuyên hát bằng cả lòng yêu quý, trân trọng. Các chòi được trang trí mang đậm dấu ấn văn hóa dân gian cổ truyền. “Gió xuân phảng phất cành tre/ Xin mời cô bác cùng nghe bài chòi”, mùa xuân về với Hội hát bài chòi Tam Lãnh, ta không chỉ được nghe mà còn được tham gia chơi đánh bài chòi thử vận may đầu năm mới, được cùng các cụ cao niên trong làng uống rượu xuân, được nghe nhiều chuyện xưa của làng do các cụ kể lại. “Rủ nhau đi đánh bài chòi/ Để cho con khóc đến lòi rún (rốn) ra”, người làng tôi đến nay đời sống kinh tế vẫn còn chật vật, nhưng chưa bao giờ hết yêu mến, gìn giữ và phát huy những giá trị của loại hình nghệ thuật đặc sắc này.
Tư Hương
(Phạm Tuấn Vũ)
Bài đã đăng trên Tạp chí Làng Việt
Tin liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét