Home » XỨ QUẢNG
Thứ Tư, 16 tháng 7, 2014
ĐI TÌM GỐC TÍCH ĐỊA HIỆU KIM HỘ THUỘC (TỨC XỨ SỞ VÀNG) - Thầy Phạm Văn Tưởng
Trong một thời kỳ dài, kể từ năm khi vua Lê Thái Tông đánh đuổi quân Minh, giao cho Nguyễn Trãi viết Dư địa chí vào năm 1435, khi đó Phủ Thăng hoa quản 3 huyện, gồm 23 xã. Trong đó Huyện Hà Đông quản 8 xã (không thấy nói có tổng). Tuy đưa vào bản đồ nước ta, nhưng toàn bộ đất Thăng Hoa Tư Nghĩa (trải từ Duy xuyên đến tận Quy Nhơn) về thực chất vẫn do người Chiêm Thành kiểm soát. Đến năm Hồng Đức thứ 3 (1973), vua Lê Thánh Tông mới bình định xong vùng đất mới này và đổi tên là Quảng Nam thừa tuyên, đây cũng là thời điểm để đánh dấu mở đất Quảng Nam. Đến năm Hồng Đức thứ 2 (1491) dư đồ cả nước được điều chỉnh, có tất cả 13 Thừa tuyên, khi ấy Thừa Tuyên Quảng Nam quản 3 phủ, 9 thuộc huyện. Phủ Thăng Hoa, tuy có sát nhập, đổi tên địa hiệu nhưng vẫn có 3 thuộc huyện như trước (địa hiệu 3 huyện lúc này là Lễ Dương, Duy Xuyên và Hà Đông), nhưng có kiến lập thêm tổng. Hà Đông trong gần suốt thời Lê địa giới khá rộng, bao gồm 8 tổng, 46 xã. Qua nhiều lần thay đổi danh giới địa chính, nhất là trong giai đoạn đầu triều Nguyễn (Gia Long Minh Mạng), đất Hà Đông bị thu hẹp rất nhiều. Năm Thiệu Trị Nguyên niên (1841) địa hiệu Thăng Hoa Phủ bị xóa bỏ và thành lập Phủ Thăng Bình, giai đoạn đầu huyện Hà Đông là đơn vị trực thuộc phủ này. Phần đất Hà Đông chính và Hà Đông tân bị cắt cho các đơn vị bạn, từ đó trở đi, Huyện Hà Đông chỉ còn lại phần đất phía nam của Tỉnh, hiện nay đã chia tách thành huyện Núi Thành, Phú Ninh và thành phố Tam Kỳ.
Khoảng thời gian dài nói trên, có một thời kỳ ngắn huyện Hà Đông được gọi là Kim hộ thuộc. Từ “thuộc” được hiểu như “huyện”. Thời đầu Lê dùng từ kép “thuộc huyện”, cả thời Lê nói chung dung 5 từ “thuộc nội phủ Kim hộ” để chỉ đơn vị thuộc phủ. Thời Tây Sơn bỏ bớt, gọi là “Kim hộ thuộc” thay cho Hà Đông huyện. Việc dùng 5 từ hay 3 từ chỉ địa danh như trên, là để chỉ đơn vị thuộc phủ có quản những hộ khai thác vàng cho nhà nước phong kiến nước ta. Đối chứng với một số giấy tờ công của triều Tây Sơn và triều Gia Long, đều ghi “Kim hộ thuộc” thay cho “Hà Đông huyện”. Các sắc chỉ của Quang Trung, Cảnh Thịnh, Gia Long cũng như một số bằng cấp trao chức tước, trao nhiệm vụ cho các yêu thân hồi đó, đều ghi Thăng Hoa phủ, Kim hộ thuộc là huyện quản các hộ khai thác và nạp thuế bằng vàng. Đây là chi tiết lịch sử riêng Hà Đông mới có. Thời Hội An buôn bán tấp nập, các thương nhân nước ngoài đều gọi Quảng Nam là “xứ sở vàng”. Sự thật thì các nguồn có khai thác vàng hồi đó đều xếp vào” thuộc nội phủ kim hộ” tức là huyện Hà Đông.
Giai đoạn từ thế kỷ thứ 15 đến thế kỷ 19, việc khai thác vàng ở Hà Đông rất thịnh, nhất là thời họ Nguyễn đã giành riêng cho mình quyền khai thác kim loại quý ấy. Công trường vàng của họ Nguyễn tập trung đến hàng ngàn người bao gồm cả binh lính và dân phu. Người giàu ở địa phương thông đồng với quan lại bỏ vốn ra thầu cả những quả núi lớn và giữ độc quyền khai thác. Họ Nguyễn bắt nộp thuế vàng rất nặng, tuy vậy người giầu vẫn kiếm được lợi nhuận rất lớn, hàng năm đem về Hội An cả ngàn thỏi để xuất khẩu. Nghề khai thác vàng hồi ấy có 2 cách, xắp vỉa để lấy quặng lọc đãi ra vàng và cách thứ 2 là lặn xuống nguồn sông xúc cát lên để đãi, bòn vụn vàng trầm tích. Những người có thân thế, nhiều tiền cống nộp quan lại mới được khai thác ở vỉa quặng, còn người dân Hà Đông thì đa số phải đãi vàng cát ở lòng sông. Dân vàng ở Hà Đông nói riêng và Quảng Nam nói chung còn gọi là dân chánh hộ, phải nộp thuế vàng rất nặng. Dân khách hộ, chủ yếu người Thuận Hóa nộp thuế vàng nhẹ hơn nhưng phải đi lính, nên dân gian địa phương có câu là:
Em còn lưỡng lự đôi đàng
Dân khách ngại lính, dân vàng thuế cao,…
Tài nguyên vàng ở Quảng Nam, đã được các nhà nước phong kiến phương Bắc chú ý rất sớm (từ thế kỷ thứ 5) chú ý, trong Lương thư (chính sử Nhà Lương) có đoạn ghi: “…nước đó có núi vàng, đá đều màu đỏ, trong đó sinh ra vàng, ban đêm bay ra trông như đom đóm,…” (Nguồn: Lịch sử Việt Nam tập I, Nxb Đại học chuyên nghiệp 1983, trang 309). Nhưng công việc khai thác vàng đến thời thuộc Minh mới bắt đầu hình thành và phát triển, duy trì suốt qua các triều đại nhà Lê, nhà Nguyễn, cho đến những năm thực dân Pháp chính thức đặt ách thống trị nước ta, Pháp tập trung khai thác tại Bồng Miêu, huyện Phú Ninh hiện nay. Tính chất gian khổ của nghề khai thác vàng không chỉ ở cường độ lao động bỏ ra mà còn ở chỗ rủi may khi có, khi không, khi nhiều, khi ít, có khi có khai thác nhưng không đủ thuế suất để nộp thì bị trách phạt rất nặng. Có nơi, có năm dân phu trong các xã thiếu thuế vàng, bị ra lệnh xóa bỏ tên xã, chức dịch của xã phải chạy vạy kêu xin đủ cấp rất gian khổ. Một số xã dựng lên miếu cầu vàng, hàng năm phải tế khai kim để dân vàng đến ăn chay nằm đất, cầu đảo trước khi lên đường đi làm vàng (Trong Phủ biên tạp lục trang 225, có ghi tên 2 miếu cầu vàng ở Dương đàn và Trà Cam-có thể là địa danh Chiên Đàn và Trà Cai ngày nay). Triều Tây Sơn căn cứ dân lao động trong huyện sản xuất ra vàng, nên không để địa hiệu Hà Đông huyện như các triều đại trước mà đổi gọi là “Kim hộ thuộc”.
Xét về cội nguồn tên địa hiệu Kim hộ thuộc đến suốt đời Gia Lông vẫn còn ghi trên giấy tờ công. Sau Gia Long thì trở lại ghi địa hiệu như cũ: Thăng Hoa Phủ, Hà Đông huyện rồi đến các xã.
PVT
Tin liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét