Home » TRANG VĂN
Thứ Sáu, 2 tháng 5, 2014
Tản văn : CHỊ TÔI (Nguyễn Thị Hạnh)
Ảnh : Trà My |
Tôi sinh ra trong một gia đình đông con, những năm anh chị em. Tuổi thơ của tôi là những tháng ngày gắn bó với ruộng đồng, bấm lem bùn đất. Gia đình tôi sinh sống bằng nghề nông. Bởi vậy, cuộc sống của những đứa trẻ như chúng tôi luôn gắn liền với những vụ mùa bội thu, những công việc đồng áng. Bố mẹ tôi đều là những người nông dân cần cù, chăm chỉ, tất bật với công việc mưu sinh nhưng cuộc sống của gia đình tôi chưa bao giờ là khấm khá. Cái nghèo vẫn đeo bám cuộc sống của chúng tôi, mỗi ngày.
Nhiều lúc, tôi cứ cảm thấy rõ ràng cái sự thiếu thốn mà chúng tôi đang mang khi đi bên cạnh lũ bạn cùng lớp. Nhiều lúc, tôi vẫn ước rằng giá như mái nhà của chúng tôi ấm áp hơn một chút thì những trận ho của mẹ mỗi khi gió lạnh ùa về sẽ đỡ đi biết bao nhiêu, vẫn ước mỗi đứa em có được một chiếc áo đủ dày để đi qua mùa đông mà không bị cái lạnh quấy nhiễu, rồi vẫn muốn được sống hết mình với những tháng ngày tuổi thơ trong sự hồn nhiên, ngô dại, muốn được rong chơi cùng lũ bạn trong những trò chơi mê hoặc nhưng rồi dù nghĩ vậy, tôi vẫn biết đó chỉ là những ước ao không thể thành hiện thực. Vậy nên tôi đã chờ đợi cái ngày mình lớn lên để mong làm cho những ước ao đó trở thành hiện thực.
Tôi đã đợi mãi và rồi cái ngày đó cũng đến, tôi trở thành một chàng trai 15 tuổi cao lớn, vạn vỡ. Có thể nhiều người sẽ cười nhạt và nói rằng một đứa trẻ 15 tuổi thì có thể làm được gì mà phụ giúp gia đình nhưng tôi hoàn toàn tin rằng mình có thể làm được. Vào một ngày mùa đông, khi ngồi bên bếp lửa cạnh mẹ tôi đã nói lên ý định của mình, rằng tôi muốn nghỉ học để lên thành phố tìm việc kiếm tiền phụ giúp gia đình. Khi nghe tôi nói ra cái dự định ấp ủ bao lâu mẹ đã sụt sùi, nước mắt lưng tròng nhìn tôi và bằng một giọng điệu nhẹ nhàng nhưng dứt khoát, mẹ nói: “ Đó không phải là việc của con. Mẹ sẽ lo tất cả, con chỉ việc chăm chỉ học hành. Một thằng con trai mà học hành không đàng hoàng tử tế thì làm được gì. Chỉ có học thì cuộc sống của gia đình mình mới khấm khá được, con ạ!”. Vậy là tôi đành phải tạm hoãn những dự định đó trong hụt hẫng. Những tưởng cái suy nghĩ kiếm tiền để phụ giúp gia đình khấm khá hơn chỉ còn trong mong ước nhưng rồi, chị tôi đã là người bắt đầu những dự định đó, thay tôi.
Chị là chị cả trong nhà, nghĩa là sau chị còn những bốn đứa em. Mẹ đẻ nhiều, lại mau nữa, cách nhau hai năm một. Trước tôi có một người anh, vậy nên tôi kém chị bốn tuổi. Thế nhưng khi tôi chỉ mới là một đứa trẻ mới hiểu chuyện, chị đã là một cô gái đảm đang chăm lo tươm tất mọi việc trong nhà, từ việc giặt giũ áo quần, đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa đến chăm nom các em.
Ngày đó, khi tôi đang ngày ngày ấp ủ cái mong muốn kiếm tiền phụ giúp gia đình tôi đã không hề biết rằng chị tôi cũng đang từng ngày trăn trở về điều đó. Mãi cho đến một ngày khi kì thi tốt nghiệp phổ thông của chị vừa kết thúc, khi bạn bè chị vật vã với bài vở và nuôi mơ ước về một ngôi trường đại học chị đã không thi vào đại học như mơ ước của bất kì một đứa học sinh chăm học nào mà quyết định ngừng học để kiếm tiền phụ giúp bố mẹ nuôi các em. Vào một ngày khi bữa cơm tối được dọn ra chị đã thẳng thắn trình bày với bố mẹ về điều đó trong sự ngỡ ngàng của mọi người và rồi mặc cho bố mẹ và chúng tôi có khuyên ngăn thế nào chị cũng một mực thực hiện nó trong kiên quyết. Tôi đã không hề biết rằng chị cũng luôn ấp ủ những dự định đó, cho riêng mình, trong im lặng, cho đến ngày chị nói ra.
Chị xách ba lô ra đi vào một ngày tháng ba lộng gió. Gió thổi bay từng lộn tóc con con trước mắt chị và làm khóe mắt chúng tôi cay xè. Chị đi cùng vài cô gái trong xóm cũng cùng tuổi với chị và nghèo như gia đình chúng tôi để đến một thành phố xa lạ và bắt đầu cho cái mục đích kiếm tiền. Ngày đó, chị tôi mười tám.
Công việc đầu tiên mà chị tìm được là công việc đi đưa hàng cho một công ty tư nhân chuyên sản xuất bánh kẹo ở quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh. Hằng ngày, chị phải đi hàng trăm cây số đến các cửa hàng lớn nhỏ cả ở nội thành lẫn ngoại thành để đưa hàng. Ngày đó, người ta chỉ vận chuyển hàng bằng những loại xe tiện lợi như xe máy thô sơ chứ không dùng xe tải như bây giờ. Bởi vậy lượng hàng hóa của mỗi lần vận chuyển luôn rất nhiều, phải chằng lên cao khỏi đầu người lái. Hàng hóa cồng kềnh, vận chuyển khó khăn và đường đi xa xôi vậy mà chị đã kiên trì làm công việc đó trong suốt năm năm liền. Trong khoảng thời gian ấy, những lần tôi gặp chị chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Tôi chỉ được nói chuyện với chị qua những tối chị gọi điện về nhà thăm hỏi sức khỏe mọi người. Trong những lần nói chuyện ngắn ngủi ấy điều mà chúng tôi luôn được nghe từ chị là những lời nhắc nhở và động viên phải học hành chăm chỉ, nghe lời ba mẹ, thầy cô. Mỗi tháng chị luôn gửi tiền đều đặn về nhà. Số tiền đó đã giúp chúng tôi ăn học thành người và giúp cho cuộc sống của gia đình tôi ngày một đủ đầy hơn. Tôi đã luôn sống và biết ơn chị về điều đó.
Sáng nay, cũng là một sáng tháng ba đầy gió, tôi ngang qua cánh đồng hoa cải, gió thổi hắt hiu, những cơn gió nhẹ tênh phớt qua tóc, dịu dàng nâng những vệt nắng ónh ánh rắt trên từng lối nhỏ dẫn vào làng làm tôi nhớ chị da diết. Tôi nhớ đến bóng dáng nhỏ bé của chị rảo bước trên những vụn cải xanh mướt. Tôi nhớ nụ cười rạng rỡ của chị như sắc vàng óng ả của những cánh đồng hoa cải độ tháng ba về. Nhớ giọng nói trong veo và ánh mắt đong đầy yêu thương của chị. Đã bao mùa hoa cải đến rồi đi trong day dứt tôi vẫn chưa được gặp chị. Những con đường quê một thời lấp đầy bóng chị nay cũng đã xa chị bao mùa. Mỗi lần nhớ về chị tôi hay hình dung chị với sắc vàng của những cánh đồng hoa cải đang buổi ban mai có lẽ bởi tôi luôn thấy chị cần mẫn trên những luống cải trong những buổi sáng tháng ba như thế. Chị hay mặc chiếc áo cánh có những bông hoa sắc vàng nho nhỏ, vàng như những bông hoa cải nơi đầu hè rơi rụng miên man trong những sớm mai chị ngồi hong nắng.
Giờ đây, chúng tôi đều đã ăn học thành người, đứa nào cũng ra trường và có việc làm ổn định. Có đứa ở lại thành phố làm việc. Có đứa về quê làm giáo viên trường làng. Vậy là mong ước chăm lo cho chúng tôi ăn học nên người của chị giờ đã thành hiện thực. Bao năm vất vả vì chúng tôi, những tưởng từ nay chị đã có thể am tâm sống cuộc đời của mình. Vậy mà chị vẫn cứ thế, âm thầm, lặng lẽ dõi theo từng bước đi của chúng tôi mãi đến một ngày, có người đến nhà tôi hỏi xin bông hoa chị về vườn nhà mình.
Chị tôi lấy chồng. Năm ấy chị tôi hai tám tuổi…
Chị lấy chồng xa. Một anh chàng hiền lành cùng quê nhưng đã vào nam sinh sống nhiều năm. Anh yêu chị tôi thật lòng. Tôi chẳng bao giờ hoài nghi điều đó! Vì tôi không bao giờ tin có người lại không yêu chị tôi được…Thế là cánh đồng xa chị, những mùa hoa cải xa chị và chúng tôi xa chị. Chị đến với núi rừng của những bạt ngàn hoa cà phê trắng tinh khôi. Trắng như màu áo chị ngày về nhà chồng và như tâm hồn chị ở lại với tất cả những gì chị từng gắn bó.
Chị đi làm con của bố mẹ khác, làm chị của những đứa em khác…. Chị có quên chúng tôi? Tôi buồn nhưng không sợ. Tôi biết, chị chẳng bao giờ quên chúng tôi.
Tôi viết những dòng này vào một ngày tháng ba đương mùa hoa cải. Những bông hoa sắc vàng óng ả, dung dị, âm thầm tỏa hương làm tôi nhớ chị đến lạ. Và khi bên tai tôi vẫn văng vẳng đâu đây lời ca mà tôi vẫn ngỡ dành riêng cho chị mình.
Thế là chị ơi.
Rụng bông hoa gạo.
Ô hay!
Trời không nín gió.
Cho ngày chị sinh....
Linh Lan
Nguyễn Thị Hạnh
Cựu học sinh 2003-2007
Bài đã đăng trên
Tạp chí Văn hóa Phật giáo
Tin liên quan
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét